Giá gạo thế giới giảm mạnh trong tháng 10/2008 do nhiều nước sản xuất lớn bước vào vụ thu hoạch trong khi các nước nhập khẩu lớn đã mua đủ dùng. Gạo Thái Lan đã giảm khoảng 20% giá trị, với loại 100% B giảm 18,9% hay 132 USD, từ 710 USD/tấn xuống 578 USD/tấn, trong khi gạo 5% tấm của Việt Nam giảm 7,4% xuống 500 USD/tấn so với 540 USD/tấn một tháng trước đây.
                Như vậy, thị trường gạo đã trải qua 6 tuần liên tiếp giảm giá. Hiện giá gạo chỉ bằng một nửa so với mức đỉnh cao 1.080 USD/tấn hồi tháng 5/2008. Xu hướng giảm giá này không chỉ xảy ra ở thị trường gạo mà trên toàn bộ thị trường lương thực thế giới. Hiện giá lúa mì và ngô cũng chỉ bằng một nửa mức kỷ lục đã đạt được hồi mùa xuân.
              Nguồn cung thóc trên thị trường Thái Lan lúc này rất lớn, trong khi nhu cầu từ khách hàng nước ngoài hầu như không có, mà dự trữ lại còn rất nhiều. Chính phủ Thái Lan đã phải thay đổi một chút kế hoạch thu mua lúa gạo giai đoạn tháng 11/08 – tháng 4/09, giảm giá thu mua thóc của nông dân từ 14.000 Baht (410 USD)/tấn xuống 12.000 Baht do nhận được quá nhiều lời kêu ca từ các nhà xuất khẩu mặt hàng này bởi giá thu mua cao giữ giá gạo xuất khẩu cao, khiến họ không thể cạnh tranh trên thị trường thế giới, khi mà giá gạo của Việt Nam thấp hơn rất nhiều. Dự báo sang tháng 11, khi Thái Lan vào vụ thu hoạch mới, giá thóc taị thị trường Thái Lan sẽ giảm xuống dưới 10.000 Baht/tấn. Sản lượng thóc vụ tới của Thái Lan dự kiến đạt 23,8 triệu tấn. Ước tính chính phủ Thái Lan hiện đang có khoảng 4,3 triệu tấn thóc dự trữ, mức cao nhất kể từ năm 2006.
              Tại Việt Nam, giá gạo cũng giảm mạnh. Trong bối cảnh nguồn cung lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long còn dồi dào và giá gạo nội địa giảm sút, Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ngân hàng cho nông dân và các doanh nghiệp thu mua lúa gạo được giãn nợ, bỏ lãi khi giãn nợ và được hưởng hỗ trợ lãi suất. Đồng thời, kiến nghị cho xuất khẩu gạo tự do, không phải đăng ký hợp đồng với Hiệp hội Lương thực, bỏ giá sàn từ tháng 10-2008 đến hết tháng 2-2009. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay đạt 3,95 triệu tấn với trị giá 2,31 tỉ USD. So với kế hoạch sẽ phải tiếp tục xuất khẩu 650.000 tấn. Tuy vậy, đã xuất hiện khó khăn do khủng hoảng tài chính thế giới, nhiều đối tác không thể tiếp tục nhập gạo như hợp đồng, tình hình ứ đọng gạo trong nước khá lớn.
                Tại Ấn Độ, giá thóc phi – basmati ở Ấn Độ đã giảm khoảng 30 – 40% trong niên vụ này do lệnh cấm xuất khẩu mà chính phủ đặt ra cho loại thóc này. Hiện giá thóc phi – basmati chất lượng cao được bán với giá 1.050 – 1.200 Rupi/100 kg, so với 1.800 – 2.000 Rupi niên vụ trước. Ấn Độ có thể tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo phi-basmati để giữ giá gạo trong nước trong vòng kiểm soát, trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ diễn ra vào giữa năm tới.
              Tại Philippine, sản lượng gạo quý tháng 7-9/2008 chỉ tăng khoảng 6% so với cùng vụ năm ngoái, chứ không thể tăng 10% để đạt 3,45 triệu tấn như dự báo ban đầu, do chi phí sản xuất cao, đặc biệt là giá phân bón, trong khi giá gạo hạ khiến nông dân không muốn đầu tư nhiều cho loại cây này. Sản lượng gạo Philippine năm nay có thể đạt 16,94 triệu tấn, cao hơn so với 16,24 triệu tấn năm ngoái, song thấp hơn mục tiêu 17,3 triệu tấn mà chính phủ đặt ra. Theo một quan chức của Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippine (NFA), Philippine có kế hoạch nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo trong năm tới, sau khi đã nhập khẩu kỷ lục 2,3 triệu tấn trong năm nay. Dự kiến Philippinie sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo trong 5 năm tới vì chi phí sản xuát cao, đặc biệt là giá phân bón, ảnh hưởng tới mục tiêu về sản lượng.
              Trong bối cảnh giá gạo giảm sút nhanh, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thông qua kế hoạch hành động mới về gạo do Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đề xuất nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng lúa gạo toàn cầu. Nội dung kế hoạch gồm bảy điểm: Tiến hành một cuộc cách mạng trong nông nghiệp nhằm thu hẹp khoảng cách về năng suất; phổ biến các công nghệ sau thu hoạch nhằm giảm thiểu thất thoát sản lượng; tăng cường quảng bá và đưa vào sử dụng các giống lúa năng suất cao; tăng cường sử dụng các giống lúa lai có khả năng chống sâu bệnh tốt; đẩy mạnh nghiên cứu hàng nghìn giống lúa của thế giới để các nhà khoa học có thể tận dụng các nguồn gien chưa được khai thác; hỗ trợ chính sách phát triển lúa gạo.
             Thị trường gạo thế giới từ nay tới cuối năm sẽ chưa thể khởi sắc bởi nguồn cung gạo vụ này khá dồi dào, do nông dân tăng cường trồng lúa sau khi giá tăng kỷ lục cao hồi đầu năm. Tuy nhiên, sang năm tới, giá gạo sẽ có nhiều cơ hội tăng trở lại. Viện Nghiên cứu Gạo Quốc tế (IRRI) và Tổ chức Nông-Lương Liên hợp quốc (FAO) cho rằng việc các nước sản xuất gạo chủ chốt hạn chế xuất khẩu và dân số gia tăng sẽ khiến cho thị trường gạo toàn cầu khan hiếm nguồn cung. Mặc dù tiêu thụ gạo trên đầu người ở những nước đông dân nhất thế giới, như Trung Quốc và Ấn Độ, dự báo sẽ giảm, nhưng tổng lượng tiêu thụ gạo của thế giới ước tăng 18 triệu tấn do dân số tăng. Người dân ở các nước đang phát triển ngày càng có xu hướng quay sang gạo để thay thế các thực phẩm đắt đỏ hơn như rau quả và thịt. Dự báo giá gạo và các lương thực, thực phẩm khác sẽ không thể trở lại mức thấp của mấy năm trước đây do chi phí sản xuất cao mà diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Giá dầu mỏ biến động mạnh cũng tác động tới thị trường gạo, bởi lương thực và dầu mỏ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Mặc dù giảm gần một nửa từ mức cao đỉnh điểm hồi tháng 5 song giá gạo châu Á hiện vẫn cao gần gấp đôi so với mức trung bình 336 USD/tấn hồi tháng 10 năm ngoái.
              IRRI dự đoán sản lượng gạo thế giới niên vụ 2007/08 sẽ đạt mức kỷ lục 432 triệu tấn, tăng 1% so với vụ mùa năm ngoái - nhờ tăng diện tích trồng lúa lên 1 triệu ha. Nhưng nhu cầu trong niên vụ này dự báo sẽ vẫn cao hơn nguồn cung. Dự báo tiêu thụ gạo trên toàn cầu sẽ tăng thêm 18 triệu tấn trong niên vụ 2008/09 do dân số tăng và số người nghèo đói tăng lên. Giá gạo sau khi giảm mạnh trong những tháng cuối năm 2008 rất có khả năng sẽ hồi phục trở lại vào năm 2009, khi thị trường gạo thế giới lại lâm vào cảnh khan hiếm.
 

Nguồn: Vinanet