Trong hai tuần đầu tháng 7, giá thực phẩm nói chung vẫn ổn định ở mức thấp như hồi tháng 6, nhưng từ trung tuần tháng 7 giá bắt đầu nhích lên do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng và do mưa bão nhiều ngày làm nguồn cung giảm, trong khi thời tiết mát mẻ, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng, kích thích giá tăng nhẹ

A - THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

1. Cung - Cầu thực phẩm

Thịt: Nguồn cung thịt trong nước dồi dào, thịt nhập khẩu giảm mạnh. Cục Chăn nuôi cho biết, từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng thịt các loại sản xuất trong nước đạt 2,62 triệu tấn, tăng 2,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thịt lợn hơi đạt 1,94 triệu tấn (chiếm 74%), thịt gia cầm hơi đạt 439.200 tấn (chiếm 16%), thịt trâu, bò hơi đạt 230.000 tấn (chiếm 9%). Do tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn nên đàn lợn, gia cầm chỉ tăng nhẹ trong khi đàn trâu, bò giảm. Cụ thể, hiện đàn lợn cả nước đạt 26,9 triệu con (tăng 1,08%), đàn gia cầm đạt 314 triệu con (tăng 1,17%). 6 tháng đầu năm 2013, cả nước nhập khẩu khoảng 30.000 tấn thịt các loại, 70% trong số đó là thịt gà và các phụ phẩm, 30% còn lại là thịt lợn, bò và thịt cừu. Thị trường nhập khẩu thịt của Việt Nam chủ yếu từ Trung Quốc, Canada, Mỹ…Theo đánh giá, sản lượng thịt nhập khẩu giảm mạnh thời gian qua phản ánh tình trạng giảm tiêu thụ thịt ngoại của người dân sau nhiều thông tin liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác quản lý thịt nhập khẩu cũng đã được tăng cường hơn trước nhằm tránh tình trạng nhập khẩu thực phẩm không đảm bảo chất lượng vào Việt Nam như gà thải loại, các phụ phẩm chân gà, lòng gà, lòng lợn …

Đường: Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ sản xuất 2012/2013 của ngành mía đường đã kết thúc. Trong niên vụ này, các nhà máy đường ép được 16.622.152 tấn mía, sản xuất 1.527.486 tấn đường (không bao gồm đường thô nhập khẩu và đường thô trong nước cung cấp cho các nhà máy luyện). Lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường đến ngày 13/7 là 444.777 tấn (kể cả đường thô), tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội là 17.921 tấn. Niên vụ 2013/2014 cũng đã bắt đầu khi Nhà máy đường Nước Trong đã bắt đầu ép vụ mới từ ngày 8/7.

Muối: Tính đến ngày 15/6/2013, diện tích sản lượng muối cả nước đạt 14.242ha; trong đó diện tích muối công nghiệp đạt 3.394ha. Sản lượng muối đạt 796.497 tấn, bằng 146% so với cùng kỳ năm 2012; trong đó muối sản xuất công nghiệp đạt 193.366 tấn, muối sản xuất thủ công đạt 603.131 tấn.

Đáng chú ý, lượng muối tồn trong diêm dân (người làm muối) và một số doanh nghiệp sản xuất từ đầu năm đến nay khoảng 236.012 tấn (trong tổng số 796.497 tấn), cao hơn so với cùng kỳ năm 2012.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng muối năm 2013 sẽ đạt trên 1.000.000 tấn (tăng 18% so với cùng kỳ năm 2012), đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong nước.

2. Diễn biến thị trường tháng 7

Thực phẩm tươi sống: Giá thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà, thịt bò giữ ổn định giá trong suốt 2 tuần đầu tháng 7, nhưng từ giữa tháng 7 trở đi thời tiết bắt đầu dịu mát, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng nhẹ, cộng thêm mưa bão nhiều ngày, giá xăng tăng, làm cho giá thịt bắt đầu nhích lên 5.000-10.000đ/kg. Cụ thể, thịt bò thăn 255.000đ/kg, thịt bò vai, mông 240.000đ/kg, thịt dẻ sườn bò 180.000đ/kg; thịt lợn ba chỉ, nạc, mông, vai, chân giò… giá 80.000 -85.000 đồng/kg, thịt nạc thăn 90.000-95.000 đồng/kg, sườn thăn 105.000-110.000 đồng/kg, xương cục 45.000-50.000 đồng/kg; giá thịt lợn hơi cũng tăng 2.000đ/kg, lên mức 42.000đ/kg … thịt gà ta 135.000 đồng/kg, gà công nghiệp 65.000-70.000 đồng/kg; vịt nguyên con 80.000-85.000 đồng/kg…

Rau củ: các loại rau tăng giá từ 1.000-4.000 đồng tùy loại. Cụ thể, rau muống 5.000-7.000 đồng/mớ; rau dền, rau ngót 2.500-3.000 đồng/mớ; bí xanh 7.000-9.000 đồng/kg; khoai tây 15.000-17.000 đồng/kg, rau xà lách có giá tăng gấp rưỡi từ 15.000-20.000 đồng/kg… Nguyên nhân do những trận mưa to giữa tháng 7 khiến nhiều loại rau màu bị hư hỏng, nhiều ruộng rau ngập trong nước không thể thu hoạch được. Trong khi đó, bước vào thời điểm cuối vụ rau nên một số mặt hàng trở nên khan hiếm, đẩy giá lên cao.

Gạo: tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam bị chậm lại do nguồn cung thế giới khá dồi dào, khiến giá lúa gạo trong nước duy trì ở mức thấp. Tại Hà Nội, giá gạo tẻ thường Khang Dân 11.000-12.000 đồng/kg, gạo Si dẻo 12.500đ/kg, gạo nếp cái hoa vàng 23.000-24.000 đồng/kg; gạo tám Thái 18.000-19.000 đồng/kg, Bắc Hương 15.000 đồng/kg, tạp dao 10.500 đồng/kg. Tại miền Bắc, giá thóc tẻ thường ổn định ở mức 6.000- 8.500 đồng/kg. Tại miền Nam, giá thóc dao động ở mức 4.725-5.650 đồng/kg; giá gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm phổ biến trong khoảng 7.550-8.150 đồng/kg, tăng 200-500 đồng/kg; gạo 25% tấm giá phổ biến trong khoảng 6.850-7.275 đồng/kg, tăng 150-200 đồng/kg. Nguyên nhân giá gạo thấp là do các vùng nông thôn vừa bước vào thu hoạch vụ mùa bội thu. Hơn nữa, lượng gạo tồn kho tại các doanh nghiệp trong nước hiện vẫn ở mức cao. Giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam và giá gạo trong nước tiếp tục giảm do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu của các nước nhập khẩu thấp. Diễn biến này sẽ còn duy trì trong thời gian tới.

Trứng gia cầm tại các chợ tăng nhẹ 2.000 -3.000đ/chục quả; Cụ thể: trứng gà ta 40.000 đồng/chục quả; trứng vịt 33.000-35.000 đồng/chục quả; trứng gà công nghiệp 27.000-28.000 đồng/chục quả.

Đường: Giá đường ổn định ở mức thấp. Ngày 15/7, giá bán buôn đường kính trắng ở Hà Nội là 14.700-15.100 đ/kg, ở miền Trung 14.300-14.600 đ/kg, ở TPHCM 14.400-14.700 đ/kg và ở Cần Thơ 14.700-15.000 đ/kg. Đường RS xuất sang Trung Quốc giá khoảng 15.100–15.200 đ/kg. Giá đường lậu tại Lao Bảo 13.500 đ/kg, tại Đông Hà 14.100–14.200 đ/kg, tại biên giới Tây Nam: 13.500–13.600 đ/kg, tại TPHCM 14.100–14.200 đ/kg. Giá đường bán lẻ vẫn ổn định như hồi tháng 6: đường trắng xuất khẩu 18.000đ/kg, đường vàng 17.000đ/kg.

Sữa: Ngày 17-7, một số đại lý sữa của hãng Dutch Lady tăng giá thêm 2% đối với sản phẩm sữa nước dạng hộp 180 ml và 8% đối với sản phẩm dạng bịch 220 ml, nguyên nhân do hãng đưa ra mẫu mã mới; còn sản phẩm sữa Abbott vẫn giữ ở mức cao khi đã tăng từ hồi tháng 6, cụ thể sữa Gain Plus IQ 472.000 đ/hộp 900g. Sữa bột Glucerna dành cho người tiểu đường 663.000 đ/hộp 900g. Lý do tăng giá được các hãng sữa đưa ra là giá nguyên liệu đầu vào tăng, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, nguyên liệu bột sữa thế giới tăng… Tuy nhiên, theo số liệu từ Cục quản lý giá, giá thu mua sữa tươi trên thị trường vẫn ở mức ổn định, thậm chí còn giảm nhẹ. Sở dĩ có tình trạng trên là do thị trường sữa Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào hàng nhập khẩu. Trong khi lượng sữa sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu dùng và chủ yếu phục vụ sản xuất sữa nước. Trong 70% nhập khẩu thì có 50% là sữa nguyên liệu và chỉ 20% là sữa thành phẩm. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, ước 6 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã chi 482 triệu USD cho việc nhập sữa và sản phẩm. Tính riêng tháng 6/2013, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này là 85 triệu USD, tăng 7 triệu USD so với tháng 5/2013.

Muối: giá muối vẫn giữ ở mức hợp lý. Cụ thể, miền Bắc giá từ 1.600-2.200 đồng/kg; Nam Trung Bộ muối sản xuất thủ công 850-2.000 đồng/kg, muối sản xuất công nghiệp 1.000-1.200 đồng/kg; Đồng bằng sông Cửu Long muối đen và vàng giá 900-1.000 đồng/kg, muối trắng 1.200-1.7000 đồng/kg.

B. THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), chỉ số giá thực phẩm thế giới trung bình tháng 7 là 205,9 điểm, giảm 4 điểm (tương đương 2%) so với tháng 6 và giảm 7 điểm (hay 3,3% ) so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số giá thực phẩm toàn cầu sụt giảm.

Chỉ số giá lương thực thực phẩm FAO là chỉ số đo lường mức độ thay đổi về giá hàng tháng của 55 loại lương thực thực phẩm trên thế giới, được tính bằng trung bình của 5 chỉ số chính bao gồm ngũ cốc, dầu ăn/chất béo, các loại thịt, đường và sữa.

Tất cả 5 chỉ số thành phần đều giảm trong tháng 7.

Cụ thể, chỉ số giá ngũ cốc là 227,7 điểm, giảm 8,8 điểm tương đương 3,7% so với tháng 6 và giảm mạnh tới 33 điểm (13%) so với tháng 7/2012. Sự giảm nhanh giá ngũ cốc dẫn đầu là giá ngô do thời tiết thuận lợi hỗ trợ đáng kể triển vọng thu hoạch tại các nước sản xuất chính. Giá lúa mỳ cũng giảm nhưng không giảm quá sâu do nhu cầu xuất nhập khẩu mạnh. Giá gạo thay đổi khác nhau từ theo nguồn gốc xuất xứ, giá gạo Thái Lan giảm trong khi giá gạo từ Việt Nam tăng.

Chỉ số dầu/chất béo đạt trung bình 191 điểm giảm 3,3% so với tháng 6 và là mức thấp nhất 3 năm qua. Cả 2 loại dầu đậu nành và dầu cọ đều giảm. Nguồn cung dầu đậu nành dồi dào, đặc biệt từ Argentina trong khi nhu cầu yếu tính cả cầu cho sản xuất năng lượng sinh học, cộng với triển vọng sản lượng đậu tương cao tại Mỹ là những nguyên nhân khiến giá dầu đậu nành giảm. Giá dầu cọ cũng thấp đi do nhu cầu nhập khẩu Trung Quốc yếu đi. Giá dầu nho và dầu hướng dân cũng giảm do dự báo cung niên vụ 2013/2014 cải thiện đáng kể.

Chỉ số giá sữa là 263,3 điểm, giảm 1,1% so với tháng 6. Giá sữa giảm nhưng tỷ lệ giảm vẫn thấp hơn 2 tháng trước đó do nguồn cung hạn chế tại khu vực Châu Đại Dương và tình trạng sản xuất trì trệ tại châu Âu, Nam Mỹ và Hoa Kỳ.

Chỉ số giá thịt là 173,3 điểm, gần như không đổi so với tháng 6. Giá thịt gà và thịt lợn giảm, trong khi thịt cừu và thịt bò tăng giá. Nhìn chung, nhu cầu tiêu thụ thịt có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt từ các nước châu Á.

Chỉ số giá đường là 239 điểm, giảm 1,5% so với tháng 6. Giá đường giảm tháng thứ 4 liên tiếp do khả năng dư thừa cung lớn từ các nước sản xuất chính, đặc biệt là Brazil.

Dự báo:

Ngân hàng thế giới cho biết lượng nhập khẩu lương thực, thực phẩm của các nước khu vực Trung Đông và Bắc Phi giảm, đồng thời nhu cầu tiêu thụ yếu đi.

Thời tiết thuận lợi sau đợt hạn hán khắc nghiệt năm ngoái đã hỗ trợ tăng sản lượng lương thực. World Bank kỳ vọng vụ thu hoạch tốt tại hầu hết các khu vực sản xuất nông sản chính sẽ tiếp tục trong năm nay. Đồng thời, những nơi có điều kiện thời tiết không thuận lợi như khu vực Bắc và Trung tâm EU, Nga và Trung Quốc sẽ không gây thiệt hại quá nhiều tới sản lượng.

Theo báo cáo của World Bank, sản lượng ngô dự kiến sẽ cao kỷ lục trong năm nay một phần nguyên nhân do nhu cầu tăng mạnh từ các nhà sản xuất năng lượng sinh học ethanol của Mỹ.

Đối với giá gạo, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, thương mại gạo thế giới năm 2013 giảm 4,87% so với năm 2012. Nguyên nhân chính là do nhu cầu gạo của thế giới thấp, tồn kho nhập khẩu trong năm 2012 còn khá lớn ở các nước châu Phi; một số nước nhập khẩu gạo chính ở châu Á lại tăng sản lượng trong nước, hạn chế nhập khẩu trong khi lượng gạo tồn kho xuất khẩu còn khá lớn đặc biệt là ở Thái Lan. Dự báo giá gạo thế giới trong thời gian tới giảm.

PHỤ LỤC

Giá tham khảo một số mặt hàng thực phẩm tháng 7 tại Hà Nội

ĐVT: đ/kg

STT

Mặt hàng

1/7/2013

5/7/2013

10/7/2013

15/7/2013

19/7/2013

1.      

Bắp cải trắng

9.000

9.000

9.000

9.000

10.000

2.      

Bầu

8.000

8.000

8.000

8.000

9.000

3.      

Bí đỏ

6.000

6.000

6.000

6.000

7.000

4.      

Bí xanh

6.000

6.000

6.000

6.000

7.000

5.      

Cà chua

9.000

9.000

9.000

9.000

12.000

6.      

Cà rốt

10.000

10.000

10.000

10.000

13.000

7.      

Gạo tám thơm Hải Hậu

 

24.000

24.000

 

24.000

8.      

Gạo tẻ ngon

13.200

13.200

13.200

13.200

13.200

9.      

Khoai tây

10.000

10.000

14.000

 

15.000

10.                         

Mướp đắng

6.000

6.000

6.000

 

6.000

11.                         

Rau muống

3.000

3.000

 

 

5.000

12.                         

Su su

6.000

6.000

 

 

7.000

13.                         

Thịt Gà công nghiệp

60.000

60.000

60.000

 

65.000

14.                         

Trứng gà công nghiệp (đ/qỉa

2.700

2.700

2.700

2.700

2.800

15.                         

Trứng gà ta

3.800

3.800

3.800

3.800

4.000

16.                         

Trứng vịt

3.200

3.200

3.200

3.200

3.500

17.                         

Cá chép

65.000

65.000

60.000

 

70.000

18.                         

Cá diêu hồng

60.000

60.000

60.000

60.000

65.000

19.                         

Cá mè

40.000

40.000

40.000

40.000

40.000

20.                         

Cá trắm

60.000

60.000

60.000

60.000

65.000

21.                         

Đường RE (loại rời) Biên Hòa

21.000

21.000

24.000

24.000

24.000

22.                         

Thịt ba chỉ

80.000

80.000

80.000

80.000

85.000

23.                         

Thịt bò thăn phi lê

250.000

250.000

250.000

250.000

260.000

Nguồn: Vinanet.com.vn