Không thay đổi quy định về “tỷ lệ mạ băng” cá tra xuất khẩu

Ngày 13/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã chính thức có văn bản số 293/BNN – QLCL trả lời công văn số 699-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang và UBND một số tỉnh ĐBSCL kiến nghị về tháo gỡ khó khăn thực hiện Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 (Nghị định 36) đối với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh.

Theo đó, liên quan đến kiến nghị bỏ quy định tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10% tại điểm b, khoản 3, Điều 6 Nghị định số 36, Bộ NN&PTNT cho rằng, mục đích công nghệ của việc mạ băng là để bảo vệ sản phẩm nhằm giảm thiểu khả năng mất nước (cháy lạnh) gây suy giảm chất lượng sản phẩm trong quá trình bảo quản đông lạnh.

Theo hướng dẫn của Ủy ban Thực phẩm quốc tế (CODEX), tỉ lệ mạ băng để đạt mục tiêu công nghệ thông thường là không quá 5%. Do đó, quy định tỉ lệ mạ băng không được vượt quá 10% tại Nghị định 36 là cần thiết, phù hợp và đủ linh hoạt cho các DN trong chế biến sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh chất lượng tốt để XK và ngăn ngừa gian lận thương mại.

Tại văn bản này, Bộ NN&PTNT cũng cho rằng: Hiện nay, việc XK thủy sản của Việt Nam chủ yếu qua các DN NK, chứ không trực tiếp đến hệ thống bán lẻ, nên sự thay đổi này ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà NK và cả DN XK Việt Nam. Việc không kiểm soát chất lượng và để tự doanh nghiệp kê khai đã diễn ra trước khi có Nghị định 36 và hậu quả là dẫn đến khủng hoảng toàn diện như thời gian qua.

Tôm:chủng loại xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản

Xuất khẩu thủy sản năm 2014 khi mục tiêu là 7 tỷ USD, qua 11 tháng đã vượt, và kim ngạch cả năm 2014 đạt tới 7,8 tỷ USD. Trong đó tôm chiếm tỷ trọng 50% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Năm 2014, tôm Việt Nam có mặt tại 15 thị trường. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam với 22% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, trong khi chiếm gần 30% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam. Về trị giá, xuất khẩu tôm vào Mỹ hơn xuất khẩu sang Nhật Bản xếp thứ 2 gần 9% và xếp thứ 3 là khối EU khoảng 10% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Nhu cầu tiêu thụ tôm theo đầu người của Mỹ là 1,63kg- mức độ hàng đầu về khẩu phần trên thế giới, và 90% nhu cầu phải nhập khẩu, nên thị phần mang tôm vào Mỹ là ấn tượng. Hơn nữa, năm 2014, việc lượng tôm của Thái Lan, Trung Quốc vào Mỹ sụt giảm, mở đường cho tôm Việt Nam vượt lên không chỉ ở Mỹ mà còn cả Nhật Bản. Thái Lan từ vị trí số 1 xuất khẩu sang Mỹ xuống hạng 3. Nguồn tôm từ Trung Quốc cũng giảm. Trong khi đó, tôm của Việt Nam sau sa sút năm 2012, 2013 đã tăng, 2014 tiếp tục tăng, 10 tháng đã vượt cả năm 2013.

Cùng với đó là cơ cấu xuất khẩu tôm vào Mỹ được cải thiện. Năm 2010 tỷ trọng tôm tươi sống/đông lạnh/khô chiếm trên 70%, đến hết tháng 10/2014 chỉ còn 55%. Thế chỗ là tỷ trọng tôm chế biến tăng lên.

Một trong những thành tố dẫn tới việc tăng nói trên bởi những “kho tôm” như Cà Mau, Kiên Giang cả diện tích và sản lượng đều tăng so với năm trước cùng việc đổi mới nuôi trồng và chế biến.

Xuất khẩu cá rô phi sẽ thay thế một phần cá tra

Theo Tổng cục Thủy sản, đến hết tháng 11/2014, diện tích nuôi cá rô phi trong ao, hồ đạt 15.992 ha, nuôi lồng bè đạt 410.732 m3, sản lượng đạt 118.800 tấn. Ước sản lượng nuôi cá rô phi năm 2014 trên cả nước đạt 125.000 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ. Cá rô phi hiện đang là đối tượng nuôi có thị trường tiêu thụ tốt trong nước và xuất khẩu. Gần đây, một số doanh nghiệp tại An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Thanh Hóa,… đã xuất khẩu sản phẩm cá rô phi vào thị trường Mỹ và EU mang lại giá trị xuất khẩu cao.

Năm 2015, mục tiêu diện tích thả nuôi cá rô phi cả nước đạt 21.000 ha với sản lượng 140.000 tấn, trong đó sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu 50.000 tấn và xuất khẩu 30.000 tấn. Đến năm 2020, diện tích nuôi cá rô phi cả nước đạt 25.000 ha với sản lượng 200.000 tấn, trong đó sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu 100.000 tấn và sản lượng xuất khẩu 80.000 tấn. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xác định ngoài 2 sản phẩm cá tra và tôm, Việt Nam phấn đấu đưa cá rô phi trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực với giá trị xuất khẩu 200-300 triệu USD vào năm 2015 trong Chương trình xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến 2020. Cá rô phi cũng là một trong những đối tượng chủ lực trong kế hoạch tái cơ cấu ngành thủy sản.

Năm 2014: Thị trường ô tô khởi sắc, xe máy ảm đạm

Báo cáo từ Bộ Công Thương cho biết, năm 2014 sản lượng xe máy ước đạt 3,327 triệu chiếc, giảm 8,64% so với năm 2013; sản lượng ô tô đạt 128,3 nghìn chiếc, tăng 29% so với năm trước.

Năm 2014 là một năm thị trường xe máy tiếp tục ảm đạm, nhu cầu mua sắm xe máy yếu nhất trong thời gian qua khiến cho sản lượng của các doanh nghiệp tham gia công nghiệp hỗ trợ xe máy như sản xuất phụ tùng xe máy bị sụt giảm mạnh.

Trong khi đó, thị trường ô tô đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, doanh thu các tháng cuối năm liên tiếp tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và tháng sau luôn tăng hơn tháng trước.

Đây là tín hiệu đáng khích lệ về sự khôi phục của toàn ngành so với năm 2012 – 2013 nhờ vào các phản ứng tích cực của người tiêu dùng sau khi phí trước bạ chính thức giảm xuống còn từ 10 – 12%, chất lượng sản phẩm xe tải ngày càng được nâng cao hơn sau khi cải tiến theo nhu cầu của khách hàng.

Đặc biệt, các dòng xe tải nhẹ đã cạnh tranh được với sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, các dòng xe tải cỡ trung, xe tải nặng hiện đang rất được ưu chuộng, tiêu thụ khá.

Dự kiến, năm 2015 sản xuất ô tô sẽ tăng trưởng khá do tình hình kinh tế có sự phục hồi và do các chính sách khuyến khích tiêu dùng của Chính phủ được áp dụng nên tiêu thụ ô tô sẽ cải thiện hơn.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet tổng hợp

 

Nguồn: Vinanet