Giá lúa gạo trong nước vẫn ổn định, chào bán xuất khẩu tiếp tục nhích lên

 Sau khi liên tục tăng vững với biên độ khá lớn trong ba tuần đầu tháng 10 và biến động nhẹ trong ba tuần đầu tháng 10 và biến động nhẹ trong ba tuần tiếp theo đó, bước sang tuần qua, thị trường lúa gạo trong nước vẫn ở trạng thái không biến động về giá.

Giá lúa khô tại ĐBSCL tuần qua duy trì ở mức của tuần trước đó, trong đó giá lúa hạt dài (lúa loại I) ở mức 5.500 – 5.600 d/dkg, lúa thường (loại II) ở mức 5.300 – 5.400 đ/kg.

Giá gạo nguyên liệu ổn định, với loại I làm ra gạo 5% tấm duy trì ở mức 7.300 – 7.400 đ/kg, loại II làm ra gạo 25% duy trì ở mức 7.000 – 7.100 đ/kg.

Trên thị trường chào bán gạo xuất khẩu châu Á, giá gạo xuất khẩu Việt Nam chào bán tiếp tục nhích lên. Dự báo nhu cầu mới từ Philippine sau trận bão lịch sử đã đẩy giá gạo Việt Nam tăng trong tuần qua, đúng thời điểm nhu cầu toàn cầu vẫn yếu.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên 400-410 USD/tấn, FOB TP.HCM, từ mức 395-405 USD/tấn một tuần trước đó. Gạo 25% tấm cũng tăng giá lên mức 375-380 USD/tấn, từ mức 360-375 USD/tấn của một tuần trước đó.

Thị trường Lịch Bloc 2014:  sức mua còn chậm.

Theo thitruong, chỉ còn hơn một tháng nữa là năm 2013 kết thúc, nên mùa lịch 2014 xem như khép lại.

Trưởng phòng kinh doanh nội địa Công ty FAHASA cho biết, dù đã cuối mùa nhưng sức mua mặt hàng đặc thù này vẫn không tăng, thậm chí còn chậm so với năm ngoái , doanh thu chỉ đạt khoảng chừng 80% so với cùng kỳ của mùa lịch 2013.

Lịch bloc vẫn là loại bán được so với các loại lịch khác, chủ yếu là lịch bloc trung pelure và bloc đại. Loại thứ nhất năm nay có giá 17.000 đ/cuốn, được đưa đi các địa phương nhiều, loại thứ hai 65.000 đ/cuốn bán được ở TP.HCM nhờ phân khúc hàng biếu, tặng. Không chỉ tăng về giá (bloc đại năm 2013 giá 60.000 đ), mùa lịch năm nay còn cho thấy có sự nâng cao về chất lượng. Các mùa trước, nogaif vài đơn vị đột phá thực hiện một số bộ lịch độc đáo, thì mặt bằng chung vẫn quẩn quanh những cách làm quen thuộc. Mùa này đã có sự cạnh tranh gay gất về hình thức, mẫu mã, đem đến nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng.

Giá củ mì tươi tăng cao

Theo bản tin Thitruong, hiện nay, thương lái từ các nơi đổ về Đồng Nai hỏi mua củ mì tươi tại ruộng với giá 2.600 đ/kg, tăng hơn 1 ngàn đồng/kg so với cuối năm 2012.

Giá củ mì tươi tăng cao là do nhu cầu sử dụng mì lát khô tại các nhà máy trong nước tăng và nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh. Đây là mức giá cao kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, hiện nay ít hộ nông dân có mì để bán. Vì vụ thu hoạch mì của Đồng Nai bắt đầu tư giữa tháng 12 trở đi.

Thịt bò Australia giá rẻ tràn ngập thị trường

Trong thời gian gần đây, tại các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn và siêu thị đang tràn ngập thịt bò Australia được bàn bán với giá rẻ bằng hoặc thậm chí rẻ hơn cả thịt bò Việt nam.

Theo TTXVN, đối chiếu số liệu hải quan ở cửa khẩu, giá bò Australia được các doanh nghiệp kê khai để làm cơ sở áp thuế suất nhập khẩu thấp một cách bất ngờ. Mức thuế phổ biến của bò Australia nhập khẩu chỉ phổ biến ở mức 1,09 đến 1,3 USD/kg (giá CIF tại các cảng Việt Nam).

Hiện nay, giá thịt bò Australia bán tại các siêu thị khá mềm như nạc đùi 244.000 đ/kg, gầu 180.000 đ/kg, nạm 135.000 đ/kg. Hai loại thịt bò ngon nhất và đắt nhất là thăn và file có giá là 320.000 đ/kg, đắt hơn khoảng 5% so với bò nội địa.

Nguyên nhân chủ yếu khiến bò Australia có giá rẻ là do giá nhập khẩu được khai báo ở mức thấp và do vậy, tiền thuế nhập khẩu 5% cũng thấp hơn.

Giá phân đạm tăng khi vụ lúa đông xuân bắt đầu

Theo TBKTSGonline, so với cách đây khoảng 1 tháng, hiện giá phân đạm ở nhiều khu vực của ĐBSCL đã tăng mạnh trở lại. Nguyên nhân kéo giá phân tăng lên được một số doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này, cho biết do vụ lúa đông xuân 2013-2014 đã bắt đầu, nhu cầu tiêu thụ tăng lên.

Hiện phân đạm ( Urê) Phú Mỹ từ đại lý cấp 1 phân phối đến đại lý cấp 2 hoặc bán cho nông dân có giá 8.400 – 8.600 đồng/kí lô gam, còn nhà máy bán cho đại lý 7.400 – 7.600 đồng/kí lô gam, tăng bình quân 200 đồng/kí lô gam so với cách đây 1 tháng.

Lý giải nguyên nhân giá phân đạm trong nước tăng trở lại, hiện nhiều nơi ở ĐBSCL vụ lúa đông xuân 2013-2014 đã xuống giống, nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng, cho nên kéo giá phân tăng theo. Các doanh nghiệp kinh doanh phân bón đang đẩy mạnh nhập kho, làm cầu tăng cao cũng là nguyên nhân kéo giá phân tăng theo.

Không chỉ trong nước, giá phân đạm tại nhiều khu vực trên thế giới cũng tăng rất mạnh trong khoảng 1 tháng qua.

Dự báo
Năm 2014: Việt Nam phải nhập 100% phân kali

Bộ NN-PTNT vừa cho biết, nhu cầu phân bón hóa học cho sản xuất nông nghiệp nước ta năm 2014 là gần 11 triệu tấn các loại, tăng cao hơn so với mức 10,3 triệu tấn năm 2013.

Trong đó, nhu cầu phân urê 2,2 triệu tấn, phân SA 900 ngàn tấn, phân kali 960 ngàn tấn, phân DAP 900 ngàn tấn, phân NPK 4 triệu tấn, NPK và phân lân 1,8 triệu tấn.

Hiện nay, sản xuất công nghiệp phân bón trong nước đã đáp ứng hoàn toàn phân urê, phân lân, phân NPK. Chỉ còn phân kali vẫn phải NK 100%, vì trong nước không tự chủ nguồn nguyên liệu để sản xuất; phân DAP mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu từ nguồn sản xuất, còn lại phải NK.

Hiện phân DAP trong nước đang có nhà máy DAP Đình Vũ (Hải Phòng) công suất 330.000 tấn đã đi vào hoạt động. Nhà máy DAP số 2 công suất tương đương tại KCN Tàng Loỏng (Lào Cai) đang được xây dựng, dự kiến đến 2015 sẽ đi vào sản xuất, đáp ứng cơ bản nhu cầu DAP trong nước. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng đang nỗ lực triển khai dự án khai thác muối mỏ để sản xuất kali công suất 320.000 tấn/năm tại Lào.

Giá thực phẩm khó tăng đột biến dịp Tết

Từ nay đến cuối năm, nếu cả nước không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ giá cả, nhiều khả năng giá thực phẩm sẽ không biến động nhiều trong dịp Tết Nguyên đán.

Trong các tháng cuối năm, người dân đang tập trung tái đàn, chuẩn bị nguồn cung cấp cho thị trường Tết. Hiện nay, đàn bò sữa phát triển tương đối tốt, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng đàn lợn là 26 triệu con với sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng từ 2 đến 2,5%; tổng đàn gia cầm của cả nước đạt hơn 322 triệu con, tăng 2,8%; sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng tăng 5,6-6% và trứng gia cầm tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với nguồn gia súc, gia cầm trong nước, đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã nhập khẩu hơn 2.000 tấn thịt lợn, 24.000 con bò thịt và 3.600 tấn thịt bò để đáp ứng nhu cầu người dân.

Sẽ kiểm soát chặt giá sữa

Bộ Công Thương dự kiến sẽ phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra việc tăng giá của các đơn vị kinh doanh sữa thuộc diện phải kê khai giá.

Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh có những tin đồn về việc các đại lý sữa đã tăng giá sữa trước khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 30 về việc đưa sữa vào diện bình ổn giá.

Nếu mức giá mà các doanh nghiệp kinh doanh sữa đưa ra không phù hợp, liên bộ sẽ yêu cầu các doanh nghiệp điều chỉnh theo đúng quy định.

(Nguồn: Vinanet – TTXVN)

Nguồn: Vinanet