Giá hàng hóa đang gia tăng trên toàn cầu, không chỉ đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực và năng lượng, mà còn cả kim loại, đất trồng, nước sạch và các nguyên vật liệu "đầu vào" quan trọng khác cho tăng trưởng, do nhu cầu tăng cao đang làm tăng sức ép đối với các nguồn cung toàn cầu bị hạn chế. Tăng trưởng kinh tế thế giới đã chậm lại trước sức ép của giá dầu tăng mạnh, đã leo lên mức kỷ lục trên 140 USD/thùng mới đây, và giá ngũ cốc tăng hơn gấp đôi trong năm 2007.
Một chiến lược tăng trưởng toàn cầu mới là cần thiết để duy trì sự phát triển của kinh tế thế giới. Vấn đề cơ bản là kinh tế thế giới hiện có quy mô quá lớn đến mức gây ra những hạn chế chưa từng xảy ra trước đây. Dân số thế giới hiện có 6,7 tỷ người và tiếp tục tăng thêm khoảng 75 triệu người/năm, nhất là ở những nước nghèo nhất. Sản lượng toàn cầu hàng năm tính trên đầu người, đã được điều chỉnh theo giá cả của từng khu vực khác nhau trên thế giới, trung bình ở mức khoảng 10.000 USD. Như vậy, điều này có nghĩa sản lượng toàn cầu hàng năm vào khoảng 67.000 tỷ USD.
Tất nhiên, có một khoảng chênh lệch lớn giữa các nước giàu, ở mức xấp xỉ 40.000 USD/người, và người nghèo nhất, ở mức 1.000 USD/người hoặc ít hơn. Tuy vậy, nhiều quốc gia nghèo, trong đó nổi nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, đã đạt mức tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong những năm gần đây bằng cách sử dụng các loại công nghệ cao. Vì vậy, kinh tế thế giới đã tăng trưởng ở mức khoảng 5%/năm trong vài năm gần đây và với nhịp độ này, nó sẽ tăng gấp đôi quy mô trong 14 năm tới.
Tuy vậy, dự đoán trên chỉ có thể trở thành hiện thực khi thế giới đảm bảo nguồn cung mạnh mẽ các hàng hóa "đầu vào" quan trọng và khống chế được tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra. Ngược lại, giá cả sẽ tăng mạnh, sản xuất công nghiệp và chi tiêu tiêu dùng sẽ giảm, và tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại, có lẽ là khá mạnh.
Nhiều nhà lý luận thị trường tự do đã giễu cợt ý tưởng này cho rằng sự căng thẳng tài nguyên thiên nhiên sẽ dẫn tới một sự chậm lại đáng kể về tăng trưởng toàn cầu. Họ cho rằng sự lo ngại về tình trạng cạn kiệt tài nguyên, nhất là năng lượng và lương thực, đã đi cùng với thế giới trong 200 năm qua, và thế giới không bao giờ ngừng chống lại. Trên thực tế, sản lượng tiếp tục tăng nhanh hơn dân số.
Nhận định trên cũng đúng một phần nào đó. Các công nghệ tốt hơn đã cho phép kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng bất chấp nguồn cung tài nguyên căng thẳng trong quá khứ. Tuy vậy, sự lạc quan thái quá trên đang hiện diện không đúng chỗ với ít nhất 4 lý do sau:
Thứ nhất, lịch sử cho thấy tình trạng căng thẳng tài nguyên có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế thế giới. Sau bước nhảy vọt của giá năng lượng trong năm 1973, tăng trưởng toàn cầu hàng năm đã giảm từ mức xấp xỉ 5% trong giai đoạn 1960-1973 xuống khoảng 3% trong giai đoạn 1973-1989.
Thứ hai, kinh tế thế giới có quy mô lớn hơn so với quá khứ, và vì vậy nhu cầu đối với năng lượng và các hàng hóa chủ chốt cũng lớn hơn nhiều.
Thứ ba, thế giới đã sử dụng nhiều hàng hóa "đầu vào" với giá thấp từng sẵn có một thời. Nguồn cung dầu có giá thấp nhanh chóng cạn kiệt. Tình trạng tương tự đang diễn ra với nguồn nước ngầm và đất đai.
Cuối cùng, những thành tựu công nghệ trong quá khứ không thực sự bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên, song thay vì giúp cho con người có thể khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên này với một chi phí chung thấp hơn, qua đó đẩy nhanh quá trình cạn kiệt.
Về tương lai, kinh tế thế giới sẽ cần đưa ra các công nghệ thay thế bảo vệ nguồn năng lượng, nước và đất hoặc giúp con người sử dụng các loại năng lượng tái sinh mới (như năng lượng mặt trời và gió) ở chi phí thấp hơn nhiều so với hiện nay.
Nhiều công nghệ như vậy đang tồn tại, và thậm chí các công nghệ tốt hơn có thể dược phát triển. Một khó khăn chính là các công nghệ thay thế đnag góp phần đưa tiến trình phát triển công nghệ thay thế thường có giá thành đắt hơn nhiều so với các công nghệ làm cạn kiệt tài nguyên hiện nay.
Ví dụ, nông dân trên thế giới có thể giảm lượng nước sử dụng đáng kể bằng cách chuyển tử hệ thống tưới tiêu thông thường sang hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt, sử dụng một loạt đường ống chuyển nước trực tiếp đến mỗi cây trồng trong khi vẫn bảo bảo nâng cao hoa lợi. Đầu tư vào hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt nhìn chung đắt hơn các phương thức tưới tiêu kém hiệu quả hơn. Các nông dân nghèo có thể thiếu vốn đàu tư hoặc không có sự khuyến khích nếu nước được lấy trực tiếp từ các nguồn công cộng sẵn có hoặc nếu chính phủ trợ cấp.
Những ví dụ tương tự có khá nhiều. Vốn đầu tư lớn hơn sẽ có thể tăng hoa lợi, giảm năng lượng sử dụng để chạy máy điều hòa không khí, tiết kiệm nhiên liệu ô tô, và nhiều hơn nữa. Sự đầu tư mới vào hoạt động nghiên cứu và phát triển có thể mang lại những sự cải tiến về công nghệ. Đầu tư vào các công nghệ mới tiết kiệm tài nguyên sẽ không diễn ra ở một quy mô phù hợp do những dấu hiệu thị trường không cho thấy những khuyến khích phù hợp và do chính phủ các nước chưa có sự hợp tác thích hợp để phát triển và phổ biến chúng.
Nếu thế giới tiếp tục tiến trình phát triển hiện nay -để mặc số phận cho thị trường và các nước cạnh trạnh với nhau để giành các nguồn cung lương thực và năng lượng khan hiếm - tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại trước sức ép căng thẳng tài nguyên. Tuy vậy, nếu thế giới hợp tác trong hoạt động nghiên cứu, phát triển, cải tiến và phổ biến các công nghệ tiết kiệm năng lượng, thì thế giới sẽ có thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Một điểm khởi đầu tốt là các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu đang diễn ra. Các nước giàu cần cam kết tài trợ cho một chương trình lớn về phát triển công nghệ - năng lượng tái sinh, ô tô tiết kiệm nhiên liệu, và các tòa nhà "xanh" - và một chương trình chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển. Một cam kết như vậy cũng sẽ mang lại một niềm tin quan trọng cho các nước nghèo về việc kiểm soát tình trạng biến đổi khí hậu sẽ không trở thành rào cản đối với sự phát triển kinh tế bền vững.
Vietstock

Nguồn: Internet