Ông Đoàn Văn Kiển - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay, việc tìm kiếm các nguồn than nhập khẩu dài hạn để chủ yếu cung cấp cho các nhà máy điện không hề dễ dàng khi giá than thế giới tăng cao đến chóng mặt. Cho tới thời điểm này, TKV đã ký được hai thỏa thuận khung về mua than từ Indonesia với tổng khối lượng từ 3,5 - 5 triệu tấn/năm trong thời gian 15 năm với mức giá bán theo thị trường tại thời điểm mua.
Theo tính toán của TKV, nhu cầu than cho điện là 6,475 triệu tấn trong năm nay. Con số này sẽ tăng gấp 7 lần vào năm 2020. Với nhu cầu này, nguồn than trong nước cho các dự án điện chỉ có thể đáp ứng tới hết năm 2011. Sang năm 2012 sẽ phải nhập khẩu thêm. Tuy nhiên, ông Kiển cho rằng, có thể việc nhập khẩu than sẽ được bắt đầu từ năm 2010. Trước đó, khi Tổng sơ đồ điện (TSĐ) VI được phê duyệt, việc nhập khẩu than cũng đã được nhắc tới, nhưng theo các chuyên gia thì phải tới năm 2015 mới diễn ra. Việc phải đẩy nhập khẩu than sớm lên cũng khiến nhiều người lo ngại tới tính khả thi của các dự án nhiệt điện than được đưa ra trong TSĐ VI. Ông Tạ Văn Hường - Vụ trưởng Vụ Năng lượng của Bộ Công Thương cho hay, trước đây một năm tình hình năng lượng thế giới khác xa so với hiện nay. Khi đó, chỉ cần có tiền là có thể mua được than về. Chính bởi vậy TSĐ VI đã được thiết kế theo hướng mua được than với số lượng lớn từ các nước xung quanh như Australia hay Indonesia.
Nay tình hình đã khác. Không những giá than đã tăng vùn vụt mà điều kiện cung cấp than cũng khó khăn hơn trước. Cho tới giờ, TKV đã xác nhận nhu cầu than cho các nhà máy điện của EVN, của chính TKV và các nhà đầu tư khác lên tới 32,5 triệu tấn trong năm nay. Với nhu cầu này, TKV sẽ phải nhập khẩu gần 8 triệu tấn. Còn tới năm 2015, số than cần nhập khẩu cho sản xuất điện là 11,4 triệu tấn. Nhưng đây cũng chưa phải là con số đầy đủ về nhu cầu than cho các nhà máy điện được dự kiến phát triển trong TSĐ VI vì hiện nhiều chủ đầu tư vẫn chưa làm việc với TKV và chưa ký hợp đồng xác định cụ thể nhu cầu sử dụng than của họ.
Vậy nên, con số 3-5 triệu tấn than/năm mà TKV mới ký được với các đối tác ở Indonesia xem ra chẳng thấm tháp gì. Hiện TKV đang tìm kiếm các nguồn nhập khẩu than khác từ Austrlia, Nam Phi, Nga… nhưng các nước này đều đang áp dụng chính sách hạn chế khai thác và xuất khẩu năng lượng. Trước những khó khăn này, TKV cho rằng việc tăng sản lượng than khai thác trong nước là một giải pháp thích hợp. Ông Kiển cho biết, trữ lượng của vùng than Quảng Ninh có thể lên tới 10 tỷ tấn chứ không phải chỉ ở mức 3,5 tỷ tấn như vẫn dự đoán từ trước tới nay. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số ước tính.
Mới đây TKV đã cùng với tổ chức NEDO của Nhật Bản tiến hành khoan thăm dò tại độ sâu 1.200 mét ở nhiều khu vực như Khe Chàm, Mạo Khê, Uông Bí và cho kết quả rất tốt. Nhưng đó là chuyện của tương lai nhiều năm sau, bởi cho tới giờ độ sâu khai thác lớn nhất mà các mỏ than Quảng Ninh hiện thực hiện được mới chỉ là 150 mét thấp hơn so với mực nước biển.
Đối với khu vực đồng bằng Sông Hồng, trữ lượng than được dự báo là “lớn” tại độ sâu từ 300 mét thấp hơn so với mực nước biển. Nhưng do nơi đây hiện vẫn đang là vựa lúa của miền Bắc nên câu chuyện đổi lúa lấy than sẽ còn phải bàn rất nhiều.
Mặc cho những khó khăn kể trên, TKV vẫn cho rằng việc tăng nhanh sản lượng khai thác than trong nước lên mức 70-80 triệu tấn/năm là hoàn toàn khả thi. Năm nay TKV, hiện chiếm khoảng 95% sản lượng than khai thác của cả nước, dự tính sẽ sản xuất 43 triệu tấn than. Con số này được ước tính sẽ lên tới 47,9 triệu tấn vào năm 2012 và 57,5 triệu tấn vào năm 2015. Giá than cho sản xuất điện hiện vẫn đứng ở mức 390.000 đồng/tấn, trong khi giá thành sản xuất ước tính là 600.000 đồng/tấn cho năm 2008 và giá than nhập khẩu của cùng chủng loại là 80 USD/tấn giao tại Cẩm Phả.

Nguồn: Internet