Theo đánh giá của Bộ Công Thương, một số ngành công nghiệp nhẹ tháng 8 và 8 tháng/năm 2011 ổn định và tăng trưởng khá đồng thời có những cơ hội thuận lợi.

Ngành Dệt may: sản xuất một số sản phẩm tháng 8 tăng cao so với tháng 7 như: vải dệt từ sợi bông tăng 18,2%, quần áo người lớn tăng 7,4%. Do đơn đặt hàng ổn định, đặc biệt là những đơn hàng có giá trị cao thường phải hoàn thành giao hàng vào 6 tháng cuối năm nên kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may tiếp tục dẫn đầu, tháng 8 ước đạt 1,38 tỷ USD, tính chung 8 tháng đầu năm ước đạt 8,98 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cũng như các doanh nghiệp ngành khác, các doanh nghiệp ngành dệt may, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn trong việc thu xếp vốn để phát triển sản xuất. Việc thắt chặt chi tiêu của Chính phủ Hoa Kỳ sau khi gỡ bỏ trần nợ công hồi đầu tháng 8, dự báo sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này, trong đó có hàng dệt may.

Tuy nhiên, để hoàn thành vượt mức kế hoạch xuất khẩu cả năm là 12,5 tỷ USD, theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng như Châu Âu, Châu Phi; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm; tích cực sáng tạo mẫu mã mới với chất lượng cao, phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam để tham gia hiệu quả và thực hiện tốt chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngành Da giầy: kể từ khi Ủy ban Châu Âu (EC) ra thông báo về việc chấm dứt áp dụng biện pháp chống bán phá giá 10% đối với giày mũ da nhập khẩu của Việt Nam (thuế chống bán phá giá 10% đối với giày mũ da có xuất xứ từ Việt Nam chính thức chấm dứt từ ngày 31 tháng 3 năm 2011), hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ngành da giầy đã thuận lợi hơn so với trước, nhất là các doanh nghiệp sản xuất giày thể thao xuất khẩu. Các doanh nghiệp hiện tại có nhiều đơn hàng và tập trung đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành các đơn hàng theo đúng yêu cầu của đối tác. Kim ngạch xuất khẩu của ngành trong các tháng gần đây đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ (tháng 4 tăng 13,1%, tháng 5 tăng 34,1%, tháng 6 tăng 26,1%, tháng 7 tăng 22,6% và tháng 8 tăng 17,4%); tính chung 8 tháng đầu năm kim ngạch của ngành ước đạt 4,18 tỷ USD, bằng 74,7% kế hoạch cả năm và tăng 29,2% so với cùng kỳ. Trong các tháng còn lại của năm, các doanh nghiệp cần có giải pháp nhằm đảm bảo giá xuất khẩu được nâng lên một cách hợp lý, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh xảy ra trường hợp các doanh nghiệp EU kiện và EC mở các cuộc điều tra mới về chống bán phá giá đối với giày mũ da xuất xứ từ Việt Nam.

Ngành Giấy: trong tháng 8 tình hình sản xuất vẫn ổn định, chất lượng giấy sản xuất trong nước đã đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Sản xuất giấy các loại tháng 8 ước đạt 168,9 nghìn tấn, tăng 3,3% so với tháng 7 và tăng 7,9% so với tháng 8/ 2010; tính chung 8 tháng ước đạt 1,25 triệu tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Tiêu thụ giấy vở trong tháng tăng mạnh do năm học mới đã cận kề. Do thực hiện đồng bộ các giải pháp của Thủ tướng Chỉnh phủ tại công điện số 1120/CĐ-TTg ngày 09 tháng 7 năm 2011 và chỉ đạo của Bộ Công Thương nên giá giấy tháng 8 ổn định, các đại lý đã đảm bảo cung cấp đủ giấy phục vụ năm học mới, góp phần bình ổn giá cả mặt hàng giấy nói riêng và mặt hàng đồ dùng học sinh nói chung.

Ngành Thuốc lá: sản xuất tháng 8 chỉ tăng 0,9% so với tháng 7 và tăng 2,2% so với tháng 8/2010; tính chung 8 tháng ước đạt 3,48 tỷ bao, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Về tiêu thụ, trong 8 tháng đầu năm, mặc dù sản phẩm nhãn quốc tế tăng cao trên 33,9% so với cùng kỳ nhưng do tiêu thụ sản phẩm Vinataba giảm 38,9% nên sản luợng tiêu thụ thuốc lá các loại 8 tháng đầu năm chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ. Để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, các doanh nghiệp thuốc lá cần tận dụng tối đa công nghệ, đẩy mạnh sản xuất thuốc lá nhãn hiệu quốc tế đang có nhu cầu tiêu thụ; tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng chống buôn lậu đẩy mạnh công tác đấu tranh chống thuốc lá nhập lậu và thuốc lá giả, đặc biệt là trên thị trường các tỉnh phía Bắc.

Ngành Bia, rượu, nước giải khát: do nhu cầu tiêu dùng tập trung vào những sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường như bia Hà Nội, bia Sài Gòn nên trong tháng 8 sản phẩm mang thương bia Hà Nội và bia Sài Gòn đạt cao hơn so với tháng 7 và so với tháng 8/2010; sản lượng bia mang thương hiệu Hà Nội tháng 8 ước đạt 50,3 triệu lít, tăng 6,2% so với tháng 7 và tăng 23,0% so với tháng 8/2010, tính chung 8 tháng đầu năm đạt 278,2 triệu lít, tăng 4,9% so với cùng kỳ; sản lượng bia mang thương hiệu Sài Gòn tháng 8 ước đạt 100,4 triệu lít, tăng 2,1% so với tháng 7 và tăng 2,6% so với tháng 8/2010, tính chung 8 tháng đầu năm đạt 754,4 triệu lít, tăng 7,4% so với cùng kỳ.

Các ngành khác tháng 8 sản xuất ổn định nhưng tốc độ tăng trưởng kém hơn năm trước.

Nguồn: VIETRADE

 

Nguồn: Vinanet