Sự tăng vọt của giá nhiên liệu, vàng, vật liệu xây dựng và lương thực, thực phẩm đã kéo theo những tác động xấu đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là bộ phận dân cư có thu nhập thấp, những người nghèo và những người hưởng lương trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Có thể điểm qua những nét chính như sau:
Về giá vàng:
*  Đầu năm 2008 giá vàng trong nước và trên địa bàn tỉnh liên tục tăng mạnh, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, giá vàng có lúc đã tăng hơn 300.000 đ/chỉ, đây cũng là tốc độ tăng nhanh nhất trong những năm qua. Đầu năm giá vàng 99.99% bán ra tại Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNN thành phố Hải Dương là 1.637.000 đ/chỉ. Cao điểm ngày 17/3/2008, giá vàng 99,99% bán ra lên tới 1.955.000 đ/chỉ tại cửa hàng nhà nước và 1.950.000đ/chỉ tại cửa hàng tư nhân. Tuy nhiên, ngay trong buổi sáng ngày 20/3, giá vàng đã bất ngờ đổ dốc giảm 100.000 đ/chỉ so với ngày liền kề. Mức sụt giảm này quá bất ngờ khiến không chỉ người dân, những nhà đầu tư và giới phân tích dự báo bối rối. Xét cho cùng, sự giảm giá của vàng là tất yếu khi đồng USD có dấu hiệu phục hồi cộng với sự cắt giảm lãi suất cơ bản đồng đô la của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào hôm 18/3. Chính vì lẽ đó, thị trường vàng trong nước và thế giới đang chịu tác động rất mạnh từ chính sách tiền tệ cũng như tình hình kinh tế Mỹ. Đây là lần sụt giảm mạnh nhất của giá vàng kể từ ngày 13/6/2006. Hiện giá vàng giao ngay tại thị trường New York cũng đang trên đà giảm mạnh khi nhiều nhà đầu tư tung vàng ra bán tránh giá sụt quá sâu.
Giá ngoại tệ:
*  Giá trị của đồng USD những tháng đầu năm 2008 liên tục giảm gây nhiều bất lợi cho các nhà xuất khẩu. Ngày 2/1/2008, tỷ giá giao dịch liên ngân hàng của đồng USD ở mức 1 USĐ bằng 16.112 VNĐ. Những ngày sau dường như sự suy yếu của đồng USD không có phương cách đặc trị nên liên tục trượt dài. Cụ thể, ngày 20/3/2008 tỷ giá giao dịch liên ngân hàng chỉ còn 15.990 đ/USD, lần đầu tiên rời ngưỡng 16.000 đ/USD kể từ khi tăng giá tháng 10/2006. 3 tháng đầu năm được coi là chuỗi ngày buồn của đồng đô la khi liên tục giảm giá so với đồng VNĐ, đồng Euro và một số ngoại tệ mạnh khác do kinh tế Mỹ giảm sút. Tuy nhiên, theo nhận định, đồng USD sẽ dần phục hồi trong những tháng tới khi nền kinh tế Mỹ từng bước đảo chiều và phát triển trở lại.
*  Trên thị trường tiền tệ, việc trao đổi và tích lũy đồng bằng Euro đã dần quen thuộc hơn với nhiều người. Trong khi đồng USD giảm giá thì đồng Euro được mùa và liên tục tăng giá so với VNĐ. Đầu tháng 1/2008, 1 Euro được bán ra tại Ngân hàng Nhà nước là 23.503 đ (bình quân 23.400 đ/Euro). Trong tháng 2/2008 trị giá đồng Euro luôn đảm bảo giữ vững mức bình quân trên 23.700đ/ Euro. Nhưng sang tháng 3 giá trị của đồng tiền chung châu Âu càng được khẳng định hơn khi tiến thẳng một mạch tới ngưỡng 24.863 đ/Euro bán ra tại ngân hàng Nhà nước vào ngày 18,19/3/2008. Với mức giá bình quân trong tháng 3 là 24.500 USD/Euro - mức giá cao nhất từ trước tới nay, tăng 1.200 đ/Euro so với đầu năm. Hiện ngày 20/3, 1Euro giá mua vào bằng tiền mặt 24.168 đ và bán ra là 24.690 đ/Euro. Do vậy, Chính phủ đã có khuyến cáo tới các doanh nghiệp xuất khẩu nên lựa chọn phương thức thanh toán bằng đồng Euro thay vì đồng USD truyền thống.
Giá một số mặt hàng lương thực thực phẩm:
Chỉ số giá tiêu dùng các mặt hàng lương thực thực phẩm 3 tháng đầu năm 2008 trên địa bàn tỉnh ta tăng mạnh. Hầu hết các mặt thực phẩm tăng giá đã ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân trong khi thu nhập tối thiểu của họ không tăng khiến nhiều gia đình cảm thấy cuộc sống ngày càng khó khăn hơn.
*  Giá thóc gạo từ tháng 1 đến giữa tháng 2/2008 khá ổn định do các hợp đồng xuất khẩu gạo chưa nhiều và giá gạo xuất khẩu chưa cao. Nhưng từ cuối tháng 2, giá gạo các loại tăng mạnh do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan thắng lớn trên thị trường thế giới. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước hạn chế xuất khẩu chờ giá cao hơn thì các đối tác nhập khẩu gạo của nước ngoài muốn ký được hợp đồng càng nhanh càng tốt. Đây là lợi thế cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam. Tuy nhiên Chính phủ cần phải tính đến việc đảm bảo an ninh lương thực trong nước ổn định trong cơn bão giá hiện nay. Mặc dù Hải Dương không phải là tỉnh xuất khẩu gạo nhưng giá gạo tỉnh ta lại phụ thuộc hoàn toàn vào giá gạo trong nước. Tính từ đầu năm giá gạo trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 29 - 35 % tuỳ loại. Hiện giá gạo hương thơm tại chợ Lớn được bán ra là 9.800đ/kg, gạo X, Si là 9.500đ/ kg, gạo Q4 là 8.500 đ/kg.
*  3 tháng đầu năm, giá thịt gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh Hải Dương luôn giữ ở mức cao, nguyên nhân chủ yếu do giá thức ăn gia súc tăng cao cùng với ảnh hưởng từ dịch bệnh gia súc gia cầm diễn biến phức tạp khiến nguồn cung bị hạn chế. So với đầu tháng 1, hiện nay giá thịt lợn thành phẩm bán khá ổn định và giữ ở mức từ 45 - 47.000 đ/kg thị ba chỉ, 52 - 54.000đ/kg thịt mông sấn, 65.000 đ/kg thịt nạc thăn. Ngược lại, giá thịt bò các loại hiện đã tăng 37,5 % so với đầu năm 2008 và hiện ở mức thịt bò thăn 105 - 110.000 đ/kg, thịt bò bắp 90.000 đ/kg. Tuy nhiên đây chưa phải là mức giá cao nhất trong quý I mà đỉnh điểm là những ngày Tết vừa qua, có lúc giá thịt bò thăn lên tới 130.000 đ/kg, thịt bò bắp 110.000đ/kg, còn giá thịt lợn được bán ra cao hơn ngày thường từ 15-18 %. Giá thịt trâu bò vẫn ở mức cao sau những ngày Tết là do tác hại của đợt rét đậm kéo dài vừa qua khiến nhiều trâu bò ở khu vực miền núi phía Bắc bị chết rét nên nguồn cung cho thị trường bị giảm sút.
*  Giá thịt gia cầm các loại hiện cũng tăng cao hơn những ngày đầu năm 20 % và đặc biệt tăng mạnh vào những ngày giáp Tết. Hiện giá gà ta phổ biến ở mức 57 - 60.000đ/kg, ngan ta 35.000 đ/kg. Mặc dù vậy mức giá trên đã giảm khoảng 20-25 % so với dịp Tết vừa qua. Ngoài ra, giá các mặt hàng thủy sản nước ngọt cũng tăng vọt tới 40 % so với đầu tháng 1/2008. Cụ thể như cá chép ao (loại 1kg/con) từ 25.000đ tăng lên 35.000 đ/kg, cá trắm ao (loại 1kg/con) từ mức 20.000 đ lên 30.000 đ/kg, tôm sông loại ngon từ 70.000đ lên 100.000đ kg. Tuy nhiên giá hải sản chỉ tăng khoảng 15% như mực ống to từ 72.000đ/kg tăng lên 83.000 đ/kg, cua biển từ 120 - 130.000 đ/kg lên 145.000 đ/kg.
*  Thị trường hàng nông sản biến động tăng mạnh trong tháng 2 do thời tiết lạnh kéo dài khiến nhiều loại rau quả khan hiếm. Đầu tháng 3 thời tiết ấm trở lại và lượng rau quả cũng phong phú hơn khiến giá giảm nhẹ. Giữa tháng 2, giá xu hào có khi lên tới 6.000 đ/kg, bắp cải 5.000 đ/kg, cải thảo 14.000 đ/kg. Ngược lại, giá một số mặt hàng khô khá ổn định; vừng vàng 28.000 đ/kg, đỗ tương 10.500 đ/kg, đỗ xanh 14.000đ/kg, hành tây 5.000 đ/kg, nấm hương 170-175.000 đ/kg, lạc nhân 25 - 28.000 đ/kg. Giá hạt bí, hạt dưa tăng cao 10-15 % vào những ngày giáp Tết, có lúc hạt bí lên tới 65-70.000 đ/kg, hạt dưa 45.000 đ/kg.
*  Giá hoa quả trên địa bàn tỉnh cũng lên xuống thất thường do phụ thuộc giá thành nhập về từ những nơi khác, vì tỉnh chưa có được khu vực trồng nhiều loại cây ăn quả như các tỉnh khác; Hiện giá cam sành là 20.000 đ/kg, xoài cát 17.000đ/kg, quýt đường 18.000 đ/kg, nho xanh 45.000 đ/kg, lê 10.000 đ/kg, thanh long 10 - 12.000 đ/kg, táo đường TQ là 26.000 đ/kg,
*  Thị trường bánh kẹo, đường sữa trong quý I cũng biến động tăng; đường kính trắng xuất khẩu tăng thêm 500 đ lên 9.500/kg, sữa đặc Ông Thọ 10.000đ/hộp, sữa Dutch Lady 123 hộp 400g giá 60.000đ, sữa Dielac 123 (hộp 400g) giá 66.000đ. Giá sữa trong tỉnh tăng do giá sữa nhập khẩu tăng đã tác động đến giá sữa trên thị trường.
*  Đặc biệt trong tháng 2, giá cả các mặt hàng như bia rượu, nước giải khát, mứt Tết tăng mạnh do nhu cầu phục vụ dịp lễ Tết. Tuy nhiên sang tháng 3, giá bia các loại đồng loạt giảm từ 10 - 15%. Bia Hà Nội từ 170.000đ/hộp giảm 20.000đ xuống còn 150.000 đ/hộp 24 lon, bia Heiniken từ 290.000 đ/hộp giảm còn 270.000 đ/hộp, bia Halida giảm còn 150 - 155.000 đ/ hộp cùng loại, nước cam ép giảm 5 - 7.000đ xuống còn 80.000 đ/hộp 24 lon.
Giá các mặt hàng điện lạnh, điện tử:
*  Trái ngược hoàn toàn với sự tăng giá ồ ạt của các mặt hàng thiết yếu, giá các mặt hàng điện lạnh, điện tử khá ổn định, thậm chí giảm nhẹ ở một số mặt hàng nhất định. Nguyên nhân do lượng hàng hoá cung cấp trên thị trường khá dồi dào trong khi sức tiêu thụ có hạn và hiện nay nhiều công ty trong nước đã sản xuất, lắp ráp thành công các mặt hàng này cho xuất khẩu. Bên cạnh đó xu hướng tiêu dùng của những người dân có kinh tế khá giả dần chuyển sang dùng các mặt hàng điện tử, điện lạnh cao cấp hơn là những mặt hàng truyền thống đã có từ lâu.
Giá vật tư­, phân bón:
*  Từ tháng 1/2008 giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục biến động tăng, điều này tác động không nhỏ tới thị trường nhiên liệu khí đốt trong nước. Tuy nhiên trưa ngày 25/2 thực sự là một cú sốc cho người sử dụng ô tô xe máy làm phương tiện chính tham gia giao thông khi giá nhiên liệu tăng cao ngất ngưởng; giá xăng các loại đã tăng thêm 1.500 đ/lít. Xăng A92 từ 13.000 lên 14.500 đ/lít, xăng A95 là 14.800/lít. Giá dầu còn tăng mạnh hơn, dầu diêzen từ 10.200đ lên 13.900 đ/lít, dầu hoả lên 13.900 đ/lít, dầu mazut 9.500 đ/kg. Giá xăng dầu trong nước tăng cao là do giá thành nhập khẩu xăng dầu liên tục tăng, đây cũng là lần tăng giá đầu tiên trong năm 2008. Chính phủ đưa ra quyết định này để Nhà nước và nhân dân cũng chia sẻ. Mặc dù trong tháng 3 giá dầu thô thế giới vẫn được giao dịch ở mức cao khoảng 104 USD/thùng, nhưng giá xăng dầu trong nước và trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định.
Giá gas ổn định trong tháng 1 tới tháng 2/2008. Từ đầu tháng 3 giá gas các loại đồng loạt tăng từ 7 -10.000đ/bình do giá thành nhập khẩu từ nước ngoài cao.
*  Thị trường phân bón nóng dần từ những ngày đầu năm. Giá phân bón các loại tăng mạnh đặc biệt trong tháng 3 khi giá thành nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng khiến nhiều hộ nông dân trong tỉnh lo lắng khi bước vào mùa vụ gieo trồng. Tính tới thời điểm này giá các loại phân bón đã tăng trung bình 50 % so với những ngày đầu năm.Hiện nay đạm Urê Hà Bắc là 8.000đ/kg, lân Lâm Thao 3.000/kg, kali Nga 10.500 đ/kg,  NPK Việt Nhật (16-10-8) giá 8.000 đ/kg, NPK Lâm Thao 5.500 đ/kg. Dự báo giá phân bón sẽ ổn định trong thời gian tới do giá nhiên liệu đã ổn định hơn.
 Giá dịch vụ:
Ngoài sự tăng giá của những mặt hàng tiêu dùng, giá cước vận chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh đã tăng khoảng 10 - 20% so với tháng trước do giá nhiên liệu đắt đỏ. 3 tháng đầu năm giá dịch vụ thuê xe, vận chuyển bằng xe khách tăng đột biến do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Đây cũng là thời điểm nhiều lễ hội được tổ chức nhân dịp đầu xuân. Nhân cơ hội này, giá nhiều loại dịch vụ khác cũng tăng khó kiểm soát như giá trông giữ xe, rửa xe, phục vụ .v.v…
 Giá vật tư­, phân bón:
Giá vật liệu xây dựng các loại vẫn liên tục biến động tăng mạnh. Giá xi măng tăng 15 % so với đầu năm, sắt thép tăng 27 %, gạch xây dựng tăng từ 40 - 60%, cát, đá tăng khoảng 10 %. Hiện giá sắt cây Thái Nguyên Φ14 là 237.000 đ/cây, Φ16 là 309.000 đ/cây, thép cuộn liên doanh Φ6, Φ8 giá 18.500/kg. Giá xi măng Hoàng Thạch tăng lên 980.000 đ/tấn, xi măng Trung Hải 740.000 đ/tấn, xi măng Hải Dương 690.000đ/tấn. Nguyên nhân chính của sự tăng giá vật liệu xây dựng là do ảnh hưởng từ việc giá dầu thô thế giới tăng cao kéo theo giá xăng dầu trong nước tăng, giá thành nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng và thời gian gần đây là việc tăng giá điện và than. Tuy nhiên cũng phải nhắc tới sự lũng đoạn thị trường của các doanh nghiệp kinh doanh sắt thép lớn trong nước khi bắt tay gom hàng tăng giá ép người tiêu dùng. Theo dự đoán giá vật liệu xây dựng sẽ ổn định hơn trong thời gian tới.
Trung tâm Thông tin, xúc tiến Thương mại-Du lịch Hải Dương

Nguồn: Vinanet