Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp thu hút số ngoại tệ trôi nổi vào hệ thống ngân hàng, xoá bỏ các chính sách gây tâm lý đô la hoá. Thu hẹp tiến tới xoá bỏ việc niêm yết, định giá, thanh toán bằng ngoại tệ và kinh doanh ngoại tệ trái phép. Xoá bỏ chế độ thanh toán bằng ngoại tệ trong nước.

Hiện nay tại Việt Nam, tình trạng đô la hoá khá phổ biến với thói quen dự trữ tài sản bằng ngoại tệ, giao dịch, mua bán, niêm yết giá bằng ngoại tệ. Đây là hiện tượng thường gặp phải ở các nền kinh tế chuyển đổi, gây ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá. Trao đổi về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đô la hoá là tình trạng đồng ngoại tệ thay thế đồng bản tệ trong việc thực hiện các chức năng của tiền tệ là dự trữ giá trị, phương tiện thanh toán và đơn vị tính toán. Hiện tượng này sẽ làm mức cung tiền trở nên khó dự báo hơn và mức cầu nội tệ trong nước không ổn định ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách tiền tệ. Để hạn chế tình trạng đô la hoá đồng thời để bảo vệ lợi ích của mình, người dân cũng như các doanh nghiệp không nên nắm giữ ngoại tệ nếu không có nhu cầu và cân nhắc, đề phòng những rủi ro do biến động tỷ giá, cũng như tránh chạy theo tâm lý đám đông đầu cơ ngoại tệ.

Bên cạnh đó, tình trạng đô la hoá làm giảm nhu cầu phát triển các công cụ phòng ngừa rủi ro trên thị trường ngoại hối,và  không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thị trường ngoại hối, mà còn làm cho các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn do không có công cụ phòng ngừa rủi ro khi đồng đô la Mỹ biến động bất thường.

Ngoài ra, việc niêm yết giá bằng ngoại tệ cũng khiến cho người dân bị thiệt khi thanh toán tiền mua hàng hoá do các cửa hàng áp dụng tỷ giá không thống nhất.

 

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp