Năm 2009 đem đến kỳ vọng xuất khẩu sắn sẽ trở thành một ngành hàng xuất khẩu chủ lực khi kim ngạch đạt 573,8 triệu đô la Mỹ, tăng 56,5% so với năm 2008.

like code

Tuy nhiên, đến năm 2010, tổng lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam giảm tới 48,8% so với năm 2009.

Sự sụt giảm này không phải do ngành sắn suy giảm mạnh về sản lượng hay giá xuất khẩu thấp mà do nhu cầu sử dụng sắn cho nhiều ngành công nghiệp trong nước tăng cao, khiến nguồn cung xuất khẩu bị thu hẹp.

Lượng sắn xuất khẩu năm 2010 giảm tới 48,8% nhưng giá trị xuất khẩu chỉ giảm 2,6% do giá xuất khẩu sắn tăng mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2010 Việt Nam xuất khẩu được 1.677 nghìn tấn sắn và các sản phẩm sắn, thu về 556 triệu đô la Mỹ.

Trong cơ cấu các sản phẩm sắn xuất khẩu của Việt Nam năm 2010, sắn lát chiếm khoảng 56,8% còn tinh bột sắn chiếm khoảng 42,9%, các loại khác chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. So với năm 2009, sắn lát đã giảm tới 13,5% về tỷ trọng còn tinh bột sắn lại tăng tới 15,4% về tỷ trọng trong tổng lượng xuất khẩu.

Diễn biến xuất khẩu sắn theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm tinh, giảm tỷ trọng sản phẩm thô được cho là một tín hiệu tốt trong bối cảnh nhiều ngành sản xuất trong nước có liên quan đến sắn như thức ăn chăn nuôi, ethanol đang cần nguyên liệu và giá tinh bột sắn đang có xu hướng tăng mạnh trên thị trường thế giới.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường đầu ra lớn nhất cho các sản phẩm sắn xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2010, chiếm tới 94,8% tổng kim ngạch xuất khẩu sắn lát (tương đương 196,5 triệu đô la Mỹ) và 90% tổng kim ngạch xuất khẩu tinh bột sắn (tương đương 315,4 triệu đô la Mỹ).

Tuy nhiên, năm 2010 nhu cầu tiêu dùng sắn cho các ngành chế biến trong nước tăng mạnh khiến nguồn cung dành cho xuất khẩu giảm. Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù năng suất sắn vẫn đạt ở mức cao 17,2 tấn/héc ta nhưng sản lượng sắn cả nước năm 2010 chỉ đạt 8,52 triệu tấn, tức giảm 0,4% so với năm 2009 do diện tích trồng sắn đã giảm 2,5%, còn 496.200 ngàn héc ta.

Tổng cung sắn giảm nhẹ trong khi ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, tinh bột sắn và ethanol có xu hướng mở rộng khiến cho phần sắn dư thừa để chế biến sắn lát cho xuất khẩu bị bó hẹp lại. Theo số liệu Tổng cục Thống kê, chỉ số thức ăn chăn nuôi trung bình năm 2010 đạt 245% (gốc năm 2005=100%), tăng 20% so với chỉ số trung bình của năm 2009.

Trong bối cảnh nguồn cung trong nước không đủ cho nhu cầu sản xuất và xuất khẩu, nhập khẩu sắn của Việt Nam tăng mạnh. Năm 2010, trong khi xuất khẩu sắn sụt giảm khá mạnh về lượng và giá trị thì giá trị nhập khẩu sắn của Việt Nam lại tăng so với 2008 và 2009 lần lượt 122,1% và 94,6%. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu sắn lát năm 2010 là 35,3 triệu đô la Mỹ, kim ngạch nhập khẩu tinh bột sắn là 9,8 triệu đô la Mỹ.

Theo báo cáo thường niên ngành sắn và tinh bột sắn Việt Nam năm 2010 và triển vọng 2011 của AgroMonitor, tổng cầu sắn củ tươi dành cho các ngành sản xuất trong nước năm 2011 là khoảng 8,12 triệu tấn gồm:

Sản xuất ethanol: 1,89 triệu tấn

Tiêu dùng cho người và sản xuất thức ăn chăn nuôi: 2,67 triệu tấn- Sản xuất tinh bột sắn: 3,56 triệu tấn (tương đương 1,08 triệu tấn tinh bột sắn).Như vậy lượng sắn củ tươi còn lại dành cho xuất khẩu chỉ vào khoảng 780.000 tấn (tương đương 355.000 tấn sắn lát khô).

Trong kế hoạch năm năm 2011-2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra chủ trương giảm diện tích trồng sắn và nâng cao năng suất trồng sắn. Theo đó, diện tích trồng sắn của Việt Nam năm 2011 giảm xuống còn 490.000 héc ta và năng suất đạt 190 tạ/héc ta. Tuy nhiên, với thực tế năng suất năm 2010 chỉ đạt 172 tạ/héc ta, lại trong bối cảnh nhu cầu sắn cho sản xuất công nghiệp, chế biến thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu tăng, bộ đã điều chỉnh lại kế hoạch ngành sắn cho năm 2011: diện tích trồng sắn duy trì ổn định khoảng 500.000 héc ta, năng suất đạt khoảng 178 tạ/héc ta.

Trong bối cảnh đó, với mức sản lượng 8,9 triệu tấn, sẽ xảy ra tình trạng tranh mua nguyên liệu giữa các nhà máy sản xuất ethanol với các nhà máy thức ăn chăn nuôi, nhà máy sản xuất tinh bột sắn và lượng sắn dùng cho xuất khẩu.

Sự phát triển của ngành sắn hiện nay cho thấy nhu cầu cấp bách trong công tác hoạch định chiến lược phát triển dài hạn cho ngành này, trong đó có tính đến các khía cạnh cân đối cung cầu về xuất khẩu, nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, sản xuất ethanol, quỹ đất...

 

Nguồn: Vinanet