Theo nguồn NYTimes/Dân Việt, Trung Quốc phạt 6 công ty sữa thao túng giá.

Trước đó, tuyên bố chính thức của Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết, 5 hãng sữa bột nước ngoài, bao gồm Nestle, Abbott, Mead Johnson, Danone's Dumex và Wyeth Nutrition, bị nghi ngờ có hành vi thao túng giá cả và chống cạnh tranh. Ngoài ra, NDRC cũng tiến hành điều tra một hãng sản xuất sữa trong nước là Biostime International.

Tổng án phạt mà 6 hãng sữa, bao gồm cả Mead Johnson và Fonterra của New Zealand, phải chịu lên tới 108 triệu USD, New York Times cho hay.

Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC), 6 hãng sữa chịu án phạt bao gồm Mead Johnson và Abbott của Mỹ, Biostime của Hong Kong, Dumex của Pháp, Fonterra của New Zealand và FrieslandCampina của Hà Lan. Tổng án phạt mà 6 hãng này phải chịu lên đến 668,7 triệu nhân dân tệ (tương đương 108 triệu USD), ủy ban cho hay.

Số tiền phạt cho mỗi công ty được tính dựa trên doanh thu hàng năm, dao động từ 3% đến 6% doanh thu của mỗi hãng.

Cả 6 công ty trên đều thừa nhận vi phạm luật chống độc quyền của Trung Quốc bằng cách áp giá tối thiểu đối với các nhà phân phối, qua đó tăng chi phí đối với người tiêu dùng, NDRC cho hay. Ủy ban cũng khẳng định không có dấu hiệu cho thấy các công ty này đã móc nối với nhau để thao túng giá sữa.

Định giá tối thiểu là hoạt động khá phổ biến trong một số thị trường, nơi các công ty muốn duy trì hình ảnh thương hiệu cao cấp của mình. Tuy nhiên, các nhà quản lý Trung Quốc lại coi hành động đó là hành vi thao túng thị trường bất hợp pháp.

Ngoài 6 hãng sữa nước ngoài kể trên, có 3 hãng sữa khác cũng bị cáo buộc thao túng giá cả song được tha phạt tiền. 3 hãng này bao gồm Beingmate của Trung Quốc, Wyeth - hãng con của Nestle Thụy Sĩ, và Meiji Dairies của Nhật Bản.

Từ nhiều năm nay, sữa là một trong những mặt hàng lạm phát giá nhanh nhất ở Trung Quốc, buộc các nhà quản lý nước này phải để tâm giám sát, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng chi phí sinh hoạt ngày một leo thang.

Bên cạnh đó, chất lượng sữa là một vấn đề khá nhạy cảm ở Trung Quốc sau trường hợp sữa nhiễm melamine, khiến 6 trẻ em thiệt mạng và hàng nghìn em khác gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Vụ việc khiến các bậc phụ huynh Trung Quốc đồng loạt quay lưng với các loại sữa nội địa và chuyển sang sử dụng các loại sữa nhập khẩu đắt tiền hơn.

 

Nguồn: Vinanet