(VINANET) – Giá cà phê kỳ hạn giảm đã làm thu hẹp mức cộng của cà phê tại Việt Nam, và cũng gây giảm giá ở Indonesia trong tuần này.

Cà phê arabica kỳ hạn trên sàn ICE giảm hơn 5% với khối lượng giao dịch lớn trong phiên 21/5, đánh dấu ngày sụt giảm mạnh nhất trong hai tháng rưỡi sau khi Volcafe tăng dự báo sản lượng toàn cầu. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 43 USD hay 2,5% xuống 1.682 USD/tấn.

Mức cộng của robusta Việt Nam loại 2, 5% hạt đen và vỡ đã thu hẹp xuống 50 – 60 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 trên sàn ICE, mức cộng một tuần trước là 50 – 65 USD/tấn.

Cà phê loại 1, sàng 16 đứng ở mức cộng 110 – 120 USD/tấn, giảm từ mức 110 – 130 USD một tuần trước.

Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết “có nhiều cà phê còn lại trong kho”, doanh số bán trong nước chậm lại chủ yếu do giá nội địa giảm.

Việt Nam đã xuất khẩu gần 755.000 tấn từ tháng 10/2014 đến tháng 4/2015, dựa theo số liệu Hải quan, hay gần một nửa sản lượng niên vụ 2014/15.

Mưa nhiều hơn thường lệ tại nhiều nơi ở Tây Nguyên, khu vực mùa mưa đã bắt đầu trong tuần này.

Tại Indonesia, lượng cà phê nhân xô mới ổn định trong khi hầu hết doanh số bán cho các nhà rang xay trong nước.

Một thương nhân tại công ty nước ngoài giao dịch với cả cà phê Việt Nam và Indonesia cho biết “không có nhiều lời mời cho xuất khẩu do doanh số bán gần đây cho các nhà rang xay trong nước là mạnh mẽ, vì thế nhiều hãng thiếu hàng”.

Indonesia và Việt Nam xuất khẩu khoảng 25% lượng cà phê thế giới.

Giá robusta Sumatran loại 4, 80 hạt khiếm khuyết giảm xuống 1.870 – 1.930 USD/tấn, FOB Lampung so với 1.980 – 2.000 USD/tấn một tuần trước. Cà phê này đứng ở mức cộng 30 – 40 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE.

Sản lượng của vụ hiện này bắt đầu trong tháng 4 được dự báo ở mức 8,8 triệu bao (528.000 tấn) giảm 7,4% so với năm trước, theo dự tùy viên Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Tiêu thụ trong nước Indonesia năm nay dự kiến tăng vọt 9,3% lên 3,05 triệu bao, Indonesia sẽ cần nhập khẩu 1,3 triệu bao trong khi xuất khẩu tổng thể sẽ giảm 9,7% so với một năm trước xuống 7.04 triệu bao.

Sản lượng cà phê niên vụ 2015/16 của Ấn Độ có thể tăng 2% so với một năm trước lên 5,2 triệu bao, do mưa tố thúc đẩy sản lượng.

Dự báo xuất khẩu cà phê của Ấn Độ tăng 6,4% lên 5 triệu bao trong cùng năm niên vụ này.

H.Lan
Nguồn: Vinanet/ Reuters