(VINANET) – Nhu cầu cà phê Việt Nam được dự kiến không lớn và giá có thể sẽ ổn định trong ba tháng cuối của niên vụ 2014/15 do tồn trữ phong phú.

Việt Nam, nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới, xuất khẩu cà phê trong 3 quý đầu tiên niên vụ 2014/15 ở mức thấp nhất 5 năm, để lại tồn trữ lớn trong quý cuối cùng.

Một thương nhân tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết “doanh số bán gần đây đang tốt, nhưng do giá tăng, một số nhà đầu cơ bắt đầu giữ hàng lại”.

Giá robusta kỳ hạn tháng 9 trên sàn ICE chốt phiên tăng 29 USD hay 1,6% lên 1.802 USD/tấn vào hôm 22/6.

Hợp đồng này đã tăng gần 5% kể từ cuối tháng 5, do arabica kỳ hạn tiếp tục tăng một phần do báo cáo theo chiều hướng tăng từ Neumann Kaffee Gruppe và đồng nội tệ của Brazil mạnh.

Tồn kho lớn và vụ mùa tới theo chiều hướng tốt sẽ tiếp tục duy trì nhu cầu mua vào khiêm tốn, gây khó khăn cho giá trong nước đạt được mốc quan trọng 40.000 đồng/kg như dự kiến trước đó của giới đầu cơ và một số nông dân.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết Việt Nam có thể sản xuất 28,6 triệu bao loại 60 kg trong niên vụ tới 2015/16 so với mức 28,2 triệu bao trong niên vụ hiện nay.

Việt Nam sẽ xuất khẩu ít nhất 975.000 tấn (16,25 triệu bao) cà phê trong ba quý đầu niên vụ 2014/15, giảm 26% so với niên vụ trước, dựa theo số liệu của chính phủ và ước tính của thương nhân.

Xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 6 giảm 9% so với năm trước xuống 53.200 tấn, cho thấy cả tháng có thể xuất khẩu 100.000 tấn, phù hợp với dự báo của thương nhân là từ 70.000 – 120.000 tấn.

Như vậy Việt Nam có thể vẫn giữ 12 triệu bao từ vụ thu hoạch 2014/15, gấp đôi khối lượng năm trước.

Một thương nhân tại công ty nước ngoài ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết “tồn kho lớn tạo áp lực cho giá thị trường”.

Robusta đứng ở mức 37.400 – 38.800 đồng/kg vào hôm qua 23/6 tại Đắk Lắk, tỉnh trồng lớn nhất của Việt Nam.

Mức cộng của robusta Việt Nam loại 2, 5% hạt đen và vỡ đứng ở mức 40 – 50 USD/tấn so với hợp đồng tháng 9, một tuần trước mức cộng này là 40 – 60 USD/tấn.

H.Lan
Nguồn: Vinanet/ Reuters