• Trung Quốc trở lại mua gạo Việt Nam
  • Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm do nhu cầu yếu
  • Gạo 25% tấm của Pakistan hiện giá thấp nhất ở châu Á

(VINANET) – Giá gạo Việt Nam tuần qua vững nhờ nhu cầu từ phía Trung Quốc, trong khi giá gạo Thái Lan giảm nhẹ bởi nhu cầu yếu.

Gạo 5% tấm của Việt Nam giá cuối tuần qua ở mức 365-370 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, không thay đổi mấy so với một tuần trước đó. Trong tuần có lucas giá lên tới 370-372 USD/tấn.

Reuters dẫn lời thương gia của một công ty châu Âu ở TP HCM cho biết: “Trung Quốc đã mở cửa trở lại biên giới để mua gạo Việt Nam. Đây là lý cho chính khiến giá gạo Việt tăng vào đầu tuần qua”. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu khách hàng Trung Quốc sẽ mua bao nhiêu. Ngoài khách hàng Trung Quốc thì hiện thị trường khá trầm lắng bởi thiếu vắng những khách hàng khác.

Các nhà xuất khẩu Việt Nam sắp hoàn tất chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo.

Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, gạo 5% tấm giá 395 USD/tấn, FOB, so với 398 USD/tấn một tuần trước đây.

Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết: “Thị trường hiện rất vắng vẻ bởi không có khách hàng, mặc dù lẽ ra người mua phải tận dụng cơ hội nguồn cung dồi dào khi đang vụ thu hoạch như hiện nay để mua vào”.

Đồng baht Thái tuần qua tăng giá nhẹ so với USD, có thể khiến giá gạo tính theo USD tăng lên. Baht đã tăng 1,11% giá trị trừ đầu năm tới nay.

Thái Lan hiện còn tới 17 triệu tấn lúa gạo cũng là một trong những lý do khiến giá nội địa giảm.

Gạo 5% tấm của Thái Lan giá trung bình trong quý I/2015 ở mức 416 USD/tấn, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi loại tương tự của Việt Nam giá 364 USD/tấn, giảm 6,8%, theo số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO).

Gạo 25% tấm của Thái Lan giá trung bình 320 USD/tấn trong quý I, rẻ nhất trên thị trường châu Á, khi mà gạo cùng loại của Việt Nam giá 343 USD/tấn, của Ấn Độ giá 349 USD/tấn và của Thái Lan giá 397 USD/tấn, theo số liệu của FAO.

Một số thông tin liên quan

Campuchia nỗ lực tăng gấp đôi xuất khẩu gạo sang Trung Quốc

Chính phủ Campuchia đang lên kế hoạch tăng gấp đôi khối lượng xuất gạo sang Trung Quốc niên vụ 2015-2016 (tháng 5 – tháng 4) lên 200.000 tấn, theo người phát ngôn Bộ Thương mại Campuchia.

Hợp đồng hiện tại giữa Công ty Quốc doanh Green Trade của Campuchia và Tổng công ty Ngũ cốc, Dầu ăn và Thực phẩm Trung Quốc (COFCO) sẽ sớm đáo hạn. Hồi tháng 8/2014, Campuchia đã ký thỏa thuận 1 năm để xuất khẩu 100.000 tấn gạo sang Trung Quốc.

Bộ Thương mại Campuchia đã công hàm sang Bộ Thương mại Trung Quốc để gia hạn hợp đồng và tăng gấp đôi hạn ngạch xuất khẩu gạo của Campuchia sang Trung Quốc lên 200.000 tấn năm 2015-2016.

Đây là một phần trong nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo của Campuchia và tăng khối lượng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc gia hạn hợp đồng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sẽ là một bước tiến trong kế hoạch đạt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo của Campuchia.

3 tháng đầu năm 2015, Campuchia xuất khẩu 149.464 tấn gạo, tăng 77% so với 84.331 tấn cùng kỳ năm 2014, theo số liệu của Cơ quan Dịch vụ Một cửa Thủ tục xuất khẩu gạo (SOWS-REF).

Xuất khẩu gạo Myanmar 2014-2015 đạt 1,7 triệu tấn, tăng 40%

Xuất khẩu gạo của Myanmar trong năm tài khóa 2014-2015 (tháng 4- tháng 3) đạt 1,7 triệu tấn, tăng 40% so với 1,2 triệu tấn năm 2013-2014, theo số liệu của Bộ Thương mại Myanmar.

Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất của gạo xuất khẩu Myanmar, với hơn 1,1 triệu tấn, chủ yếu xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía bắc. Ngoài ra, Myanmar cũng xuất khẩu sang 64 nước ở ASEAN, châu Âu và châu Phi.

Chính phủ Myanmar đang cố gắng hợp pháp hóa hoạt động xuất khẩu gạo với Trung Quốc. Theo chủ tịch Hiệp hội Nông dân Myanmar và Tổng thư ký Liên đoàn Lúa gạo Myanmar, Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu 1 triệu tấn gạo từ Myanmar trong năm 2015 và rằng xuất khẩu gạo chính ngạch sang Trung Quốc có thể bắt đầu vào tháng 5.

Chính phủ Myanmar cũng đang nỗ lực tăng xuất khẩu gạo lên 3 triệu tấn trong vài năm tới và đưa gạo vào danh sách ưu tiên trong Chiến lược Xuất khẩu Quốc gia.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng lúa của Myanmar niên vụ 2014-2015 đạt 18,98 triệu tấn (12.15 triệu tấn gạo) và xuất khẩu đạt 1,6 triệu tấn.

Xuất khẩu gạo Thái Lan tháng 3 dự đoán đạt 800.000 tấn

Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan (TREA) dự báo xuất khẩu gạo của nước này trong tháng 3 đạt 800.000 tấn, Bloomberg đưa tin.

TREA cho rằng khách hàng tại châu Phi đang mua gạo trắng và gạo nếp từ Thái Lan, trong khi khách hàng tại các thị trường khác lại chuyển sang các nguồn cung giá rẻ hơn. Giá gạo của Việt Nam dự đoán sẽ tiếp tục giảm do nguồn cung tăng do vào vụ thu hoạch.

Tháng 2/2014, xuất khẩu gạo của Thái Lan đạt 732.151 tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu gạo Việt Nam 3 tháng đầu năm đạt 904.954 tấn

Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 3 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 904.954 tấn, giảm 26% so với 1,22 triệu tấn cùng kỳ năm 2014.

Giá xuất khẩu đến nay đạt 422 USD/tấn (FOB), giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong tháng 3/2015, xuất khẩu gạo đạt 480.490 tấn, tăng 139% so với 200.814 tấn trong tháng 2/2015, nhưng giảm 18% so với 583.294 tấn tháng 3/2014.

Cũng theo VFA, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.200-5.300 đ/kg, lúa dài khoảng 5.450-5.550 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.500-6.600 đ/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.300-6.400 đ/kg  tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.450-7.550 đ/kg, gạo 15% tấm 7.250-7.350 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.000-7.100 đ/kg tùy chất lượng và địa phương.

Nhập khẩu gạo Indonesia 2014-2015 dự đoán đạt 1,25 triệu tấn

Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Post) ước tính nhập khẩu gạo của Indonesia niên vụ 2014-2015 (tháng 1-12/2015) đạt 1,25 triệu tấn, tăng nhẹ so với 1,225 triệu tấn niên vụ 2013-2014, trong đó gồm 400.000 tấn gạo chất lượng trung bình và 850.000 tấn gạo chất lượng cao.

Chính phủ Indonesia muốn Bulog duy trì ít nhất 2 triệu tấn gạo lưu kho vào cuối năm nay. Tuy nhiên, do sản lượng gạo bất ngờ giảm và lượng thu mua không đạt mục tiêu đề ra, chính phủ đã cho phép Bulog nhập khẩu 500.000 tấn gạo, gồm 300.000 tấn gạo 25% tấm chất lượng trung bình và 200.000 tấn gạo 5% chất lượng cao. Đến nay, Bulog đã nhập khẩu 425.000 tấn gạo. Bulog đặt mục tiêu thu mua 3,2 triệu tấn gạo của nông dân trong nước.

Dựa vào dự đoán của Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia (Badan Pusat Statistik - BPS), USDA Post ước tính sản lượng gạo niên vụ 2014-2105 của Indonesia đạt 36,3 triệu tấn (57,165 triệu tấn lúa), giảm 0,5% so với 36,5 triệu tấn ước tính chính thức của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

T.Hải

Nguồn: Vinanet/Reuters, Oryza