(VINANET) – Giá gạo Việt Nam ổn định trong tuần này trong bối cảnh các doanh nghiệp đang bốc xếp gạo để chuyển tới Philippines và khách hàng Trung Quốc đang mua khá tích cực, trong khi nguồn cung tại Thái Lan tăng mà nhu cầu yếu làm giảm giá gạo xuất khẩu.

Trung Quốc, khách mua gạo lớn nhất của Việt Nam, đang mua gạo thơm và gạo trắng, chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Điều này giúp ngăn giá giảm khi vụ thu hoạch đang vào lúc cao điểm. Kế hoạch thu mua tạm trữ của Chính phủ cũng hỗ trợ giá ngừng giảm.

Trên thị trường xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam giá đã tăng lên 365-375 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, từ mức 360 – 380 – 380 một tuần trước đây. Gạo 25% tấm giá chào hiện khoảng 345-350 USD/tấn, giảm nhẹ so với 340-355 USD/tấn một tuần trước.

Tại ĐBSCL, giá lúa khô tại kho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long loại thường hiện dao động từ 5.150-5.250 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.400-5.500 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.600-6.700 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.250-6.350 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.500-7.600 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.250-7.350 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.000-7.100 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.

Theo hợp đồng 300.000 tấn ký với Philippine, các doanh nghiệp đang thu gom lúa gạo để đảm bảo giao hàng trước 30/4.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính từ đầu năm đến ngày 19/3/2015, xuất khẩu gạo đạt 536.571 tấn, trị giá FOB 236,188 triệu USD, trị giá CIF 241,334 triệu USD. Như vậy, xuất khẩu gạo quý 1/2015 đạt mức thấp nhất so với cùng kỳ từ năm 2009 đến nay. Thông thường, vào thời điểm này, sản lượng xuất khẩu gạo đạt từ 1,2-1,4 triệu tấn.
Nguyên nhân là do số lượng hợp đồng xuất khẩu gạo năm trước chuyển sang gối đầu quý 1/2015 thấp. Đồng thời hợp đồng ký mới đầu năm cũng hạn chế do thiếu nhu cầu, nhất là thiếu hợp đồng tập trung.

Hiện thị trường gạo thế giới đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn cung cấp chính, bao gồm Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar. Thời gian gần đây nhiều khách hàng châu Phi giảm mua gạo Việt Nam mà chuyển hướng sang mua của Ấn Độ và Pakistan do giá rẻ hơn. Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới sau Thái Lan.

Các công ty Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo tính tới cuối tháng 6, trong khi sản lượng vụ Đông – Xuân cộng với lượng dự trữ ước khoảng 5 triệu tấn có thể gây áp lực giảm giá gạo trong quý II năm nay.

Trên thị trường Thái Lan, giá xuất khẩu gạo tuần qua giảm do tồn trữ còn nhiều khiến khách hàng chỉ mua cầm chừng bởi hy vọng giá sẽ giảm thêm nữa. Khách hàng châu Phi cũng không xuất hiện vào lúc này.

Gạo 5% tấm của Thái Lan phiên cuối tuần giá 398 USD/tấn, FOB, so với mức 403 USD/tấn một tuần trước đây.

Chính phủ Thái Lan thông báo sẽ hoãn bán gạo dự trữ để ngăn giá giảm thêm nữa khi đang trong vụ thu hoạch. Họ cũng chưa quyết định sẽ chấp thuận giá bỏ thầu của ai sau đợt bán đấu giá 780.000 tấn gạo mới đây.

Chủ tịch danh dự Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan (TREA) cho biết, hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để tiến hành các phiên bán đấu giá gạo lưu kho do nguồn cung từ vụ lúa 2 sẽ tăng nhưng nhu cầu toàn cầu đối với gạo Thái Lan vẫn rất ảm đạm. Việc xả bán gạo lưu kho vào thời điểm hiện tại sẽ làm tăng áp lực và tác động tâm lý đến giá gạo.

Một số thông tin liên quan

Ấn Độ cân nhắc chiến lược mới tăng xuất khẩu gạo sang châu Phi

Bộ Thương mại Ấn Độ đã quyết định đưa ra chiến lượng mới nhằm tăng xuất khẩu gạo, kể cả basmati và non-basmati, sang châu Phi. Bộ đang lên kế hoạch gửi một đoàn khảo sát sang các nước châu Phi và nhóm họp với các nhà nhập khẩu tiềm năng.

Việc Bộ Thương mại Ấn Độ đưa ra quyết định nêu trên được cho là do xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong tháng 2/2015 giảm 12,36% xuống còn 649 triệu USD so với 740 triệu USD trong tháng 2/2014.

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang châu Phi đang bị ảnh hưởng do nguồn cung từ Thái Lan tăng và cạnh tranh về giá với các nước xuất khẩu khác như Việt Nam và Pakistan. Mặt khác, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Nigeria - nước nhập khẩu gạo lớn nhất châu Phi - cũng bị ảnh hưởng do đồng nội tệ của Nigeria mất giá và giá dầu lao dốc. Trước đó, hồi tháng 8/2014, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang các nước châu Phi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Ebola.

Sản lượng lúa Pakistan 2014-2015 ước giảm 19%

Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính sản lượng lúa của Pakistan trong tài khóa 2014-2015 (tháng 7 - tháng 6) giảm 19% xuống 8,437 triệu tấn (5,65 trtiệu tấn gạo) so với 10,04 triệu tấn (6,72 triệu tấn gạo) năm trước đó.  Nguyên nhân chủ yếu là do lũ lụt tại bang Punjab hồi tháng 8/2014 đã gây thiệt hại 116.700 ha lúa, tổn thất 217.000 tấn lúa.

T.Hải
Nguồn: Vinanet/Reuters, Oryza