Cụ thể, các tuyến dưới 100km sẽ áp dụng mức tăng là 10%; các tuyến đường dài hoặc chạy Bắc - Nam sẽ tăng khoảng 8%. Trong đó, các tuyến "nóng" như Hà Nội - Thái Bình tăng từ 50.000 đồng lên 55.000 đồng/khách; tuyến Nam Định - Hà Nội tăng từ 40.000 đồng lên 45.000 đồng/khách; Thái Bình - Quảng Ninh tăng từ 60.000 lên 70.000 đồng…

Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, giá cước vận tải hiện do các doanh nghiệp chủ động tính toán và báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Trước đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, Hiệp hội đã lường trước và có kế hoạch chuẩn bị cho việc tăng giá nhiên liệu nhưng vẫn thấy đột ngột khi Nhà nước cho tăng giá xăng dầu với mức tăng quá lớn. Xe chạy xăng tổng chi phí sẽ tăng thêm ít nhất 16% và xe chạy dầu tăng thêm 10%. Các doanh nghiệp vận tải ôtô đang rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn do giá xăng dầu đã tăng nhiều lần nhưng giá cước vận tải vẫn chưa tăng. Doanh nghiệp thực hiện kiềm chế giá vận tải theo kêu gọi của Chính phủ, nhưng đã đến giới hạn cuối cùng.

Hiện các doanh nghiệp này đang khẩn trương tiến hành in ấn lại giá vé xe khách và thông báo cho các cơ quan quản lý bến xe biết để tiến hành niêm yết giá cước mới.

 

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam