Các nước giàu đã cam kết cấp 469 triệu USD, trong đó Mỹ đóng góp gần 1/3, để bù đắp cho việc cho các chương trình viện trợ lương thực, hiện dự kiến thiếu khoảng 755 triệu USD do giá lương thực tăng tới 76% từ tháng 12/07. Và nếu được Quốc hội thông qua, Mỹ sẽ đóng góp thêm 770 triệu USD cho viện trợ lương thực sau ngày 1/10 tới. Tuy nhiên, nguồn tiền viện trợ trên có thể không được giải ngân kịp thời để cứu một số chương trình lương thực khỏi bị cắt xén hoặc ngừng lại.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) hiện cung cấp lương thực cho gần 89 triệu người trên thế giới, trong đó có 58,8 triệu trẻ em. Susana Rico, một quan chức của WFP cho hay đa số các nước sẽ bị cắt giảm viện trợ lương thực trong 3-5 tháng tới.
Tại Campuchia, đến cuối tháng này, khoảng 450.000 học sinh nước này sẽ không còn được phát miễn phí bữa sáng theo chương trình viện trợ lương thực của WFP, do WFP ngừng cung cấp miễn phí bữa sáng hồi tháng 3/08 vì thiếu hụt 13.000 tấn gạo viện trợ. Dự trữ lương thực của các trường học chỉ đủ dùng cho vài ngày tới. Do giá gạo tăng gấp 3 lần từ tháng 12/07, 5 nhà cung cấp địa phương đã không còn khả năng thực hiện hợp đồng cung cấp gạo.
Tại Burundi, Kênia và Dămbia, hàng trăm ngàn người đang đối mặt với tình trạng bị cắt giảm viện trợ lương thực từ sau tháng 6/08. Tại Irắc, 500.000 người và tại Yêmen, 320.000 hộ gia đình, bao gồm trẻ em và người bệnh có thể sẽ bị mất viện trợ lương thực.
Các cơ quan viện trợ lương thực tư nhân ở Mỹ cũng cho hay giá lương thực tăng đang ảnh hưởng đến các dự án của họ. Mercy Corps có thể sẽ giảm 20% viện trợ lương thực cho những người tị nạn Irắc ở Xiri, trong khi World Vision có thể ngừng viện trợ lương thực cho 1,5 triệu người, xấp xỉ 1/4 số người mà công ty đang hỗ trợ, do giá lương thực tăng cao.
Vietstock

Nguồn: Internet