Giá cà phê hai sàn kỳ hạn đều mất điểm sau một tuần giao dịch. Chấm dứt ngày cuối tuần 22-5-2015, sàn robusta IE giảm 56 USD để chỉ còn 1626 USD/tấn, cả tuần mất 118 USD để chỉ còn 1 USD nữa là bằng với mức thấp nhất kể từ ngày 2-1-2014; giá arabica IU cũng giảm 1,50 cts/lb và cả tuần mất 11,30 cts/lb nay còn 126.95 cts/lb.
 
Lực xuống từ phía ngoài thị trường
 
Trên bình diện kinh tế vĩ mô, chỉ số đồng USD có một tuần hồi phục khi ước báo mức lạm phát của Mỹ sẽ tăng cao hơn dự kiến trong năm nay. Như vậy, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất nhanh hơn dự định. Chỉ số đồng USDX đóng cửa phiên cuối tuần đạt 96,11 điểm, tăng thêm 0,78 điểm sau khi đạt mức cao nhất là 96,221 điểm tính từ cuối tháng 4-2015 trở lại đây.
 
Đồng USD tăng làm giá trên nhiều sàn kỳ hàng hóa giảm, đặc biệt hàng nông sản. Chỉ số rổ hàng hóa CRB cả tuần cũng giảm 1,1%.
 
Giá cà phê robusta trong tuần qua rớt đậm trong tình cảnh “họa vô đơn chí”. Ngoài yếu tố USDX tăng, thông tin Hy Lạp hết tiền trả lãi vay trong tuần này cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và nguy cơ rút khỏi Liên Minh Châu Âu (Grexit) càng lúc càng rõ dần, sẽ làm “choáng” nền kinh tế EU nếu như dự báo ấy thành hiện thực, các dự báo sản lượng cà phê của Brazil trên 50 triệu bao của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Volcafe…Gần đây nhất, phó chủ tịch Intergricola (Brazil) cũng cho rằng vụ 2015 này thời tiết các vùng cà phê Brazil “không can chi” nên sản lượng khá tốt mà không đưa ra con số cụ thể nào. Tuy nhiên, nên hiểu rằng chỉ trừ các cơ quan chính phủ, càng về sau khi càng vào vụ, con số ước báo sản lượng cà phê Brazil càng lớn, chủ yếu trên 50 triệu bao.
 
Lực xuống từ bên trong thị trường
 
Nếu chỉ xét giá trong vòng một tuần, giá kỳ hạn arabica rớt nhiều hơn, âm đến 11.30 cts/lb tương đương với gần 250 USD/tấn và robusta rớt 118 USD/tấn. Tuy nhiên, chấn động không nằm tại hàng arabica mà lại ở phía robusta.
 
Nói cho công bằng rằng dự báo của USDA và Volcafe về Brazil và cung cầu thế giới chỉ là cái hướng chung để mỗi doanh nghiệp tự tìm cách sắp sếp kế hoạch kinh doanh cho riêng mình miễn là có lợi cho mình, nhưng đầu cơ trên thị trường lại dùng nó như cớ để dìm giá trong một giai đoạn tạm thời vì mục đích riêng. Điều này người ta đã thấy trước rất rõ vì đầu cơ tài chính trên hai sàn cà phê đang trong chiều bán ra hơn mua vào. Nên, những đợt mua hàng giấy lẻ tẻ có thể từ phía đầu cơ nhỏ lẻ. Đợt giảm nhanh trong tuần có lẽ là cú “giật cần câu” đối với đối tượng này hơn là dành cho nhà đầu cơ giá lên hàng thực.
 
Trong ước báo của Volcafe, họ cho rằng tồn kho robusta chưa bán của nước ta niên vụ này chừng 49% so với 42% của thăm dò do Bloomberg thực hiện tuần trước. Đúng hay sai khoan hãy bàn, nhưng khi nhìn con số thống kê xuất khẩu của các cơ quan hữu quan Việt Nam như Bộ Nông nghiệp, Tổng cục Hải Quan va Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu giảm trầm trọng, có đơn vị báo giảm đến trên 40%. Một bài toán có đủ các con số và như đã có sẵn lời giải, ta không nói hay không được nói thì thị trường đã phản ứng: phản ứng lần này thiệt hại nằm về phía người còn hàng.
 
“Có to ăn to, có nhỏ ăn nhỏ”
 
Giá xuống trên sàn robusta vừa qua có lẽ do nhiều người tham gia hàng giấy tưởng giá không thể xuống, mua vào ở mức cao, nay buộc phải bán giá thấp chặn lỗ.
Đợt nghỉ cuối tuần lần này dài hơn, đến 3 ngày. Vì sợ rủi ro đủ điều như thời tiết, chính sách tiền tệ Fed…sẽ ảnh hưởng đến giá hàng hóa, giá thường được châm chước về cuối phiên. Lần này thì không!
Có thể nói nhìn thái độ của thị trường để đoán rằng cuộc săn đuổi chặn lỗ, buộc bán hàng giao kho đã ứng tiền 70-75% vẫn còn tiếp diễn. Thay vì họ mua bên ngoài giá cao vẫn không có hàng, thì nay có cái để bắt chẹt: hàng bán giao kho chưa chốt giá.
Hãy tìm một hướng ra
 
Cái đáng bực mình của giá đóng cửa robusta cuối tuần qua là chẳng bằng rớt thì “rớt quách cho xong”, nhưng không, cứ treo lơ lững để làm hoang mang thêm tâm lý của người có hàng bán có giá chưa chốt. Ai nói việc này không cố tình chứ người viết nghi đấy là một chủ ý. Giá treo mức thấp, người mua hàng giao kho có giá chưa chốt muốn người bán nộp tiền thêm vào 50-70 USD để giảm và tránh mức chạm lỗ. Nhưng biết đâu khi tiển vào túi rồi, như đợt cuối tháng 4-2015, lại nhấn cú ga tiếp cho xe đổ đèo? Bao lâu còn treo hàng chưa chốt giá trong kho, bấy lâu người mua vẫn bắt ta chịu phụ thuộc. Hãy chọn một con đường để tự cứu mình, tập trung trí tuệ của tập thể (gia đình hay công ty) để tìm cho được một công cụ hữu hiệu nhằm tránh những điều tệ hại do quá phụ thuộc vào giá và “quan hệ đối tác tình thâm” quá mất độc lập như thế.
 
Xu hướng nói theo kỹ thuật
 
Về kỹ thuật, các nhà phân tích dựa trên biểu đồ cho rằng giá arabica đã mất mốc 128 cts/lb đưa thị trường vào thế yếu. Làm sao giá sàn arabica phải vượt lên để có đóng cửa mức trên 132 cts/lb để xua trừ “yếm khí”, nhưng điều nay vô cùng khó khi các yếu tố bao vây chung quanh chủ yếu tiêu cực. Trên sàn robusta, mở cửa thứ ba theo tính toán sẽ tăng nhẹ. Nhưng từ 1626 USD/tấn hiện nay để tăng sao cho giá đóng cửa lên 1675 USD/tấn để chia tay với hướng xuống quả là chuyện khó. Còn đường xuống, miễn làm sao đừng chạm 1610 USD, điểm ấy không hay tí nào.
 
Đến thời điểm này, khó để trả lời dứt khoát giá lên hay xuống. Nhưng một nhà kinh doanh hàng thực nói tuần tới hướng xuống 60% và hướng lên 40%.
 
Dự kiến sàn kỳ hạn robusta IE mở cửa chiều thứ Ba 26-5 từ tăng nhẹ.
 
Khuynh hướng chung
 
-Arabica: Yếu
 
-Robusta: Yếu/Trung tính
Chuyên gia Nguyễn Quang Bình
 
Nguồn: giacaphe.com