Là nước sản xuất hạt điều lớn, hàng năm Ấn Độ vẫn phải nhập khẩu hạt điều thô để chế biến. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các nhà sản xuất điều Ấn Độ buộc phải tìm kiếm những nguồn điều nguyên liệu rẻ từ nước ngoài.

Tại Ấn Độ, điều được trồng chủ yếu ở các bang Karnataka, Kerala, Goa, Mahastra và Orissa.

Năng suất điều của Ấn Độ chỉ tăng gấp đôi từ 300.000 tấn năm 1990 lên hơn 600.000 tấn năm 2008 trong khi sản lượng điều thế giới tăng từ 1.904.000 tấn năm 2001 lên 3.103.000 tấn năm 2006. Sản lượng điều của Việt Nam năm 2001 là 293.000 tấn tăng lên 942.000 tấn năm 2006 trong khi sản lượng điều cùng kỳ của Ấn Độ tăng từ 450.000 tấn lên 573.000 tấn.

Trong khi nhu cầu điều xuất khẩu suy giảm thì nhu cầu trên thị trường nội địa lại có xu hướng tăng. Giá bán điều tại thị trường nội địa Ấn Độ hiện rất cao, khoảng 350-400 Rs (7-8 USD)/kg bán buôn và 550 Rs/kg (11 USD) bán lẻ.

Xuất khẩu điều của Ấn Độ là nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai trong xuất khẩu nông sản Ấn Độ. Ấn Độ xuất khẩu hạt điều chủ yếu sang Mỹ và châu Âu. Hiện nay, các nhà xuất khẩu đang nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu điều ở châu Á, tập trung vào các thị trường mới như Nhật Bản, Isreal, Saudi Arabia, trong bối cảnh các thị trường truyền thống là Mỹ và châu Âu gặp nhiều khó khăn về tài chính.

Tài khoá 08-09, xuất khẩu hạt điều đạt khoảng 545 triệu USD từ tháng 3/08 đến tháng 2/09, tăng 33,7% cùng kỳ năm trước và dự kiến sẽ đạt khoảng 600 triệu khi kết thúc năm tài khoá. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu lại giảm tới 3,6%, chỉ đạt 99.348 tấn cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu hạt điều của Ấn Độ tăng mạnh là do tăng giá trị thực tế (tăng tới 39% so với năm ngoái) với mức là 274 Rs/kg (khoảng 5,2 USD) và tình trạng thiếu cung tại các nước xuất khẩu hạt điều lớn như Brazil, Việt Nam và các nước Đông Phi.

 

Nguồn: Vinanet