Cuối tháng 12/2008, tại ĐBSCL giá lúa mới tiếp tục ổn định ở mức 3.800-4.000 đ/kg, gạo nguyên liệu loại 1 đứng ở mức 5.300 đ/kg, giá gạo thành phẩm xuất khẩu giảm nhẹ 100 đ/kg, gạo 5% xuống 6.300 đ/kg, 25% giá 5.000 đ/kg.
Giá gạo 5% xuất khẩu của nước ta tiếp tục giảm nhẹ xuống còn 400 USD/T, giảm 10 USD/T so với tuần trước. Gạo 25% tấm là 345 USD/T. Bộ Tài chính vừa cho biết gạo xuất khẩu chính thức được ngừng đánh thuế từ ngày 19/12 để khuyến khích xuất khẩu.
Triển vọng cho xuất khẩu gạo Việt Nam: Theo dự báo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng nhẹ nhờ đơn đặt hàng mới từ Philippine với số lượng 500 ngàn tấn gạo trong khi nguồn cung gạo ở trong nước đã bắt đầu hạn chế.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Nigieria (nước nhập khẩu gạo từ Thái Lan) đã chuyển sang tìm kiếm có hội nhập khẩu gạo của Việt Nam do giá rẻ hơn. Trong thời gian qua, các đối tác Nigieria đã ký hợp đồng nhập khẩu 250 ngàn tấn gạo của Việt Nam.
Tại Thái Lan, giá gạo tham khảo cũng giảm xuống 520 USD/T, giảm khoảng 6% so với đầu tháng 12, do nhu cầu giảm.
Mặc dù dự trữ gạo ở Ấn Độ tăng lên nhưng nước này sẽ tiếp tục cấm xuất khẩu gạo cho tới năm 2009. Ấn Độ mua gạo và lúa mì trong dân với giá ấn định và đưa vào kho dự trữ của chính phủ để dùng trong các chương trình từ thiện.
Theo Hiệp hội gạo thế giới (IRRI), dự kiến xuất khẩu gạo năm 2008 của Việt Nam đạt 5,2 triệu tấn, tăng 9% so với năm 2007. Trong khi đó, Thái Lan vẫn đứng đầu về sản lượng xuất khẩu đạt 9,5 triệu tấn, giảm 5% so với năm 2007.
Bộ Thương mại Myanmar cho biết, nước này sẽ cho phép xuất khẩu gạo thông qua hoạt động mậu biên. Hoạt động xuất khẩu gạo của Mianma  chủ yếu được thực hiện dưới hình thức thương mại thông thường, nhưng sẽ được phép thực hiện thông qua hoạt động mậu biên, nếu tại địa phương có hiện tượng dư thừa gạo. Cụ thể, các địa phương được xuất khẩu gạo dưới hình thức mậu biên gồm Yangon, Sagaing, Bago và Ayeyawaddy.

Nguồn: Vinanet