Thay vào đó, chỉ thực hiện việc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng về SCIC sau năm 2020, để Bộ có cơ sở thực thi chiến lược phát triển của ngành theo đề án tái cơ cấu ngành xây dựng giai đoạn 2014-2020, được Thủ tướng phê duyệt từ đầu 2015.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng cho biết, cơ quan này đang được giao thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại 16 tổng công ty.

Theo mô tả của Bộ Xây dựng, đến nay cơ bản các tổng công ty này "hoạt động có hiệu quả, thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô trong ngành xây dựng, đóng góp nhiều cho xã hội, đào tạo và xây dựng một đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân lành nghề và mang tính đặc thù như: công trình ngầm, cơ khí, lắp máy và chế tạo,... đặc biệt tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động tại các công trình quan trọng và trọng điểm quốc gia".

Bộ Xây dựng cho rằng, với nhiệm vụ được Thủ tướng giao là tái cơ cấu ngành xây dựng, theo hướng hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn, đa ngành, với sức mạnh tổng hợp, có đủ khả năng tổng thầu các dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, Bộ Xây dựng rất cần những tổng công ty đã cổ phần hóa có năng lực vượt trội do Bộ Xây dựng quản lý.

Một số tổng công ty được Bộ Xây dựng dẫn chứng: Tổng công ty Viglacera - doanh nghiệp đang thực hiện nhiệm vụ và chiến lược nhà ở xã hội, an sinh xã hội; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) - thực hiện chiến lược ngành cơ khí trọng điểm của quốc gia; Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) - thực hiện các công trình ngầm đặc thù; Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen) - thực hiện chiến lược xử lý môi trường và chất thải mang tính vĩ mô; Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - thực hiện chiến lược xây dựng những công trình dân dụng lớn, phức tạp và đặc thù... 

Theo Bảo Anh

VnEconomy

Nguồn: VnEconomy