Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây thông tin, Bộ này đã nhận được thông báo từ các cơ quan chức năng Mỹ về hoàn thành thẩm định các thủ tục và chính thức cho phép nhập khẩu trái bưởi từ Việt Nam. Dự kiến trong khoảng 2 tháng nữa, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu trái bưởi đi Mỹ.
"Các doanh nghiệp có nhu cầu và khả năng xuất khẩu trái bưởi tươi đi Mỹ cần phối hợp với các đơn vị kiểm dịch động thực vật của Việt Nam hoàn tất hồ sơ để sớm xuất khẩu loại quả này đi Mỹ", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thành Nam lưu ý.
Quả bưởi là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trước đó, Mỹ đã cấp phép nhập khẩu 6 loại quả tươi từ Việt Nam, gồm: xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa và thanh long. Các hoa quả khác có thể được xuất khẩu ở dạng đông lạnh hoặc sản phẩm chế biến (đóng hộp, sấy khô).
Các cơ quan Chính phủ cũng đang tích cực đàm phán để phía Mỹ cấp phép thêm cho hoa quả tươi của Việt Nam, sau trái bưởi sẽ là các loại trái cây khác, trong đó có dừa tươi.
Theo Cục Trồng trọt, cả nước có 105.400 ha trồng bưởi, sản lượng gần 950.000 tấn. Trong đó, Đồng bằng sông Hồng có gần 13.000 ha với sản lượng trên 170.000 tấn, trung du miền núi phía Bắc có hơn 30.000 ha với sản lượng 220.000 tấn. Riêng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 32.000 ha với sản lượng khoảng 340.000 tấn.Từ nay đến hết quý I/2022, cả nước sẽ thu hoạch khoảng 140.000 tấn bưởi.
Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đánh giá, Mỹ là thị trường tiềm năng của trái cây Việt khi có tới 332 triệu khách hàng với thu nhập đầu người cao và xu hướng ẩm thực ngày càng chú trọng thành phần rau, quả.
Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng năm 2020, Mỹ vẫn nhập khẩu tới 14,1 tỷ USD trái cây, tăng nhẹ so với 2019.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang Mỹ đạt 203,2 triệu USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, hoạt động xuất khẩu trái cây, đặc biệt là trái cây tươi sang Mỹ cũng gặp các khó khăn. Trước hết, sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được trồng ngày càng nhiều tại các bang như Florida, California, hay tại Mehico và các nước Nam Mỹ có điều kiện tự nhiên gần giống Việt Nam, cũng như sản phẩm của các nước châu Á khác và sản phẩm thay thế được trồng ngay tại Mỹ.
Ngoài ra, do khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển, bảo quản cao. Hoa quả tươi có mùa vụ ngắn cũng đòi hỏi các khâu trong chuỗi phân phối phải rất nhịp nhàng, hiệu quả để nâng hiệu quả xuất khẩu của các loại trái cây tươi của nước ta.

Nguồn: THẾ HOÀNG/Báo Thế giới & Việt Nam