Trên tuyến Á – Âu, giá cước vận tải container đã tăng khoảng 150% và nhiều chuyến hàng cà phê từ các quốc gia sản xuất lớn như Việt Nam, Indonesia sang Châu Âu bị chậm trễ tới ba tuần, do các tàu phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng để tránh khu vực Biển Đỏ. Tình hình này đã khiến các nhà rang xay phải tìm kiếm nguồn cung cà phê thay thế từ những nơi khác bao gồm Brazil và Uganda. Do đó, giá cà phê tại Brazil và Uganda được đẩy tăng vọt và điều đó có nghĩa là chi phí cho các nhà rang xay lại tăng lên.
Tuy nhiên, các thương nhân và nhà phân tích ngành cho biết họ không mong đợi các nhà rang xay sẽ chuyển những chi phí này sang người tiêu dùng trong thời gian tới bởi sự cạnh tranh gay gắt về giá trong các siêu thị. Nhiều công ty trên thế giới đang tìm kiếm giải pháp thay thế cho việc vận chuyển qua Biển Đỏ - nơi được nối với Địa Trung Hải bằng Kênh đào Suez.
Giám đốc điều hành tại một trong những Công ty cà phê lớn nhất Việt Nam lo ngại rằng, lượng đơn đặt hàng mới (từ châu Âu) giảm do người mua phải chịu chi phí vận chuyển cao hơn. Thông thường, xuất khẩu cà phê đạt đỉnh vào thời điểm này trong năm. Mỗi năm có khoảng 60% lượng cà phê của công ty này xuất khẩu sang châu Âu.
Các nhà giao dịch cho rằng ở thời điểm hiện tại, số lượng container sẵn có trên thế giới vẫn đáp ứng được nhu cầu và chưa chịu tác động lớn như ở thời kỳ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, họ tin rằng rủi ro vẫn có.
Một thương nhân ở châu Âu cho rằng, những gián đoạn ở khu vực Biển Đỏ không ảnh hưởng đến giá cà phê trong trung hạn và dài hạn, mà chỉ có thể tác động trong ngắn hạn.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters