Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tuần này tăng do thông tin các công ty tư nhân Philippines có thể mua vào, trong khi giá gạo Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất 7 tuần do nhu cầu yếu.
Tiêu thụ gạo trên các thị trường Thái Lan và Việt Nam – hai nước xuất khẩu lớn thứ 2 và 3 thế giới sau Ấn Độ - tháng qua rất chậm, chủ yếu do tồn trữ ở các nước nhập khẩu còn nhiều.
Gạo 5% tấm của Thái Lan giá tăng lên 350 – 359 USD/tấn, FOB, từ mức 342 – 345 USD/tấn một tuần trước đây.
Tuần qua có tin một số công ty tư nhân Philippines muốnmua gạo Thái Lan khiến giá tăng lên, nhưng “Tất cả mới chỉ là tin đồn và thị trường hiện vẫn trầm lắng”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết.
Thị trường Việt Nam cũng vắng vẻ bởi khách hàng vẫn chỉ quan sát ngay cả khi các nhà xuất khẩu đã giảm giá chào bán.
Gạo 5% tấm của Việt Nam giá giảm xuống 340 – 350 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, từ mức 347-350 USD/tấn một tuần trước đây. Ở mức 340 USD/tấn, giá gạo Việt đang thấp nhất kể từ ngày 5/10 theo số liệu của Reuters.
“Thái Lan còn rất nhiều gạo tồn trữ và giá lại rẻ”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết.
Xuất khẩu gạo Việt Nam từ 1/1 đến 15/11 đã giảm 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ 4,36 triệu tấn, Reuters dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết.
BMI Research dự báo giá gạo châu Á sẽ vẫn yếu tới đầu năm 2017 bởi sản lượng ở các nước nhập khẩu chủ chốt đang hồi phục.
“Nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm trong năm 2017 do một số khách hàng lớn, trong đó có Philippines và Indonesia, sẽ gia tăng nguồn cung nội địa trong năm 2016/17”, báo cáo ra ngày 18/11 của BMI cho biết.
Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, ông Emmanuel Pinol cho biết quốc gia này hy vọng sẽ giới hạn mức nhập khẩu năm tới ở 500.000 tấn, trong nỗ lực của chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte nhằm đạt tự cung tự cấp gạo vào năm 2020.

Tháng trước Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines cho biết họ có thể mua thêm 250.000 tấn gạo để tăng dự trữ đệm ngoài khối lượng 250.000 tấn đã mua của Việt Nam và Thái Lan hồi đầu năm nay.

Nguồn: VITIC/Reuters

Nguồn: Vinanet