Theo tổ chức này, các yếu tố nền tảng của thị trường bao gồm sự mất cân đối cung – cầu và sản lượng cà phê được dự báo giảm, đã đẩy giá tăng lên. Giá cà phê trên toàn cầu xác lập xu hướng tăng dần qua các tháng kể từ khi niên vụ cà phê 2020/21 bắt đầu.
Chỉ số giá này cho thấy, sản lượng cà phê ở Brazil sẽ thấp hơn và triển vọng tiêu thụ toàn cầu cũng sáng sủa hơn khi các nước dỡ bỏ các hạn chế đi lại để ngăn ngừa đại dịch Covid-19 lây lan, là những yếu tố chính hỗ trợ giá.
Brazil hiện là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, với chủ yếu là cà phê arabica. Nguồn cung cà phê arabica trên toàn cầu được dự báo thắt chặt hơn trong ngắn hạn giữa bối cảnh sản lượng cà phê của nước này sẽ giảm hơn 30% trong niên vụ 2021/22 do bước vào chu kỳ giảm sản lượng.
Chi so gia ca phe toan cau
Trong tháng 5/2021, ICO đã cắt giảm ước tính thặng dư toàn cầu trong cán cân cung ứng cà phê niên vụ 2020/21 xuống còn 2,01 triệu bao từ mức 3,28 triệu bao thặng dư trong tháng trước đó, do triển vọng tiêu thụ nhiều trong khi sản lượng lại giảm sút. Nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu hiện đạt 167,58 triệu bao, tăng so với 166,34 triệu bao trong tháng 4/2021.
Dữ liệu của ICO cho thấy, tổng lượng cà phê xuất khẩu toàn cầu trong nửa đầu niên vụ 2020/2021 đã đạt 65,4 triệu bao, tăng 3,5% so với cùng kỳ niên vụ trước. Tổng lượng cà phê arabica xuất khẩu loại Brazilian Naturals đã tăng mạnh 19,2% lên 23,66 triệu bao trong giai đoạn vừa qua. Trong khi đó, lượng cà phê robusta xuất khẩu đã giảm 3,5% xuống mức 23,59 triệu bao.
Chỉ số giá cho cà phê Brazilian Naturals đã tăng 13,4% - mức tăng cao nhất trong tháng 5/2021. Chỉ số giá cho các loại cà phê arabica khác (Other Milds) tăng 10,6% trong khi chỉ số giá cà phê Colombian Milds tăng 9,5%.
ICO cũng lưu ý, lượng cà phê tồn kho tiếp tục tăng trong tháng 5/2021 ở New York và London có khả năng ảnh hưởng đến giá. Lượng tồn kho này đã tăng lên hàng tháng kể từ tháng 9/2020. Trong đó, arabica tồn kho tăng lên 2,21 triệu bao, còn robusta tăng lên 2,67 triệu bao.

Nguồn: VITIC/Reuters