Jules Hugot, nhà kinh tế của Ngân hàng Phát triển Châu Á, cho biết tại Châu Á, gạo được sử dụng phổ biến hơn lúa mì – loại lương thực đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt trầm trọng khi một trong những nguồn cung hàng đầu đang bị đe dọa bởi cuộc xung đột và các lệnh trừng phạt. Giá gạo tương đổi ổn định và có thể thay thế cho các mặt hàng chủ lực khác.
"Cả gạo và lúa mì đều là những nguồn cung cấp tinh bột và có thể sử dụng thay thế cho nhau", ông Hugot cho biết, và thêm rằng bất chấp chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine khiến giá lúa mì tăng gấp đôi nhưng giá gạo vẫn chỉ tăng khoảng 20%.
Nga và Ukraine chiếm 1/4 tổng lượng lúa mì xuất khẩu trên toàn thế giới. Đây là loại nguyên liệu được sử dụng trong mọi thứ, từ bánh mì đến mì sợi và thức ăn chăn nuôi. Xung đột đã khiến các cảng ở Ukraine bị đóng cửa trong khi thương mại với Nga bị kìm hãm bởi các lệnh trừng phạt. Giá cả tăng cao đẩy lạm phát lương thực trên toàn cầu và gây lo ngại cho những quốc gia vốn phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu.
Tuy nhiên, ông Hugot cho biết người tiêu dùng châu Á sẽ tìm thấy các lựa chọn thay thế cho dòng chảy thương mại bị gián đoạn bởi xung đột. Họ có thể mua lúa mì từ Kazathstan và dầu cọ từ Đông Nam Á để thay thế cho dầu hướng dương của Biển Đen. Việc đa dạng hóa hoàn toàn giúp cho khu vực này có nhiều lựa chọn hơn.
Chính vì thế, lạm phát ở châu Á cũng sẽ được kiểm soát tương đối, nhất là nhờ việc giá gạo cùng giá thịt lợn đã giảm đáng kể khi Trung Quốc tái phát triển đàn lợn lớn nhất thế giới. Các chuỗi cung ứng cũng trở nên linh hoạt hơn sau đại dịch và các quốc gia cũng đang theo đuổi chiến lược đa dạng hóa như một chiến lược quan trọng để tăng cường an ninh lương thực.
Hiện tại, không ai có thể xác định tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, không ít người lo ngại xung đột sẽ khiến Ukraine làm lỡ giai đoạn trồng ngô và hướng dương vào mùa xuân. Điều này sẽ gây ra cú sốc về nguồn cung trên thị trường toàn cầu trong dài hạn.
Khủng hoảng cũng gây áp lực lên phân bón và khiến giá mặt hàng này tăng trong mặt. Theo ông Hugot, Ấn Độ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu và sự gián đoạn dòng chảy thương mại từ Nga, nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới. Tình trạng này sẽ tác động đáng kể tới quốc gia Ấn Độ với hơn một tỷ dân.
Không chỉ lương thực, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang khiến giá cả các mặt hàng khác tăng với tốc độ chóng mặt trên quy mô toàn cầu. Giá dầu Brent có lúc lên tới 140 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 7/3 trước khi giảm trở lại ở dưới 130 USD/thùng. Những căng thẳng kéo dài giữa Mỹ và Nga có thể khiến giá dầu tăng cao hơn nữa. Cũng do những lệnh trừng phạt của phương Tây nên giá nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga cũng tăng phi mã. Cùng với đó, vàng cũng tăng giá mạnh.
 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Bloomberg)