Cơ quan quản lý ca cao ở Côte d'Ivoire (Bờ Biển Ngà), quốc gia sản xuất ca cao nhiều nhất thế giới, cho biết giá mua loại nông sản này từ nông dân chỉ ở mức 825 CFA franc/kg (tương đương 1,44 USD/kg) vào đầu mùa vụ 2021-2022, giảm 17,5% so với mùa vụ trước.
Trong mùa vụ ca cao 2020-2021 trùng với cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 ở Côte d'Ivoire, mức giá ca cao mua từ người nông dân là 1.000 franc CFA/kg (1,76 USD/kg),.
Cách đây vài tháng, Côte d’Ivoire và Ghana, hai quốc gia Tây Phi chiếm khoảng 60% lượng ca cao thế giới, đã thành lập một tổ chức nhằm đảm bảo mức giá có lợi cho người trồng và tính bền vững cho nền kinh tế ca cao.
Trong khuôn khổ này, hai quốc gia này đã thiết lập "sự khác biệt về thu nhập đáng kể" (DRD) với mức khoản 400 USD/tấn (cao hơn giá thị trường) nhằm trả công tốt hơn cho những người trồng, với hàng triệu người trong số họ đang sống trong cảnh nghèo đói ở Tây Phi.
Ông Yves Koné, Tổng giám đốc của Cơ quan quản lý lĩnh vực Ca cao, thuộc Hội đồng Cà phê – Ca cao Côte d’Ivoire (CCC) cho hay DRD của nước này có hiệu lực trong mùa vụ trước đó có thể đã rót gần 500 tỷ FCFA (883 triệu USD) cho các nhà sản xuất.
Những người trồng ca cao ở các nước nhiệt đới thường là những người nghèo trong ngành này. Họ chỉ nhận được trung bình 6% trong số 100 tỷ USD doanh thu mỗi năm của thị trường ca cao và sô-cô-la trên thế giới, do bị các nhà công nghiệp lớn chèn ép.
Tại Côte d'Ivoire, một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho hay hơn một nửa số người trồng ca cao đang sống dưới mức nghèo khổ.
Ca cao có vị trí chiến lược ở Côte d'Ivoire khi đóng góp khoảng 10 - 15% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), gần 40% thu nhập từ xuất khẩu và hỗ trợ từ 5-6 triệu người (tương đương hoặc 1/5 dân số của nước này).
Ngân hàng Thế giới cho biết thêm rằng ngành ca cao phải được chuyển đổi để đảm bảo tương lai và phát huy tốt hơn "vai trò đầu tàu phát triển kinh tế" của quốc gia Tây Phi này./.