Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Trong tháng 4/2021, đại dịch đã đóng cửa các thành phố từ Paris đến Los Angeles khiến tiêu thụ cà phê bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cà phê rang xay, hòa tan hiện đang được các nước trên thế giới ưa chuộng. Rất nhiều quốc gia ở Châu Âu đang giảm nhập khẩu cà phê dạng thô, tăng nhập khẩu dạng đã chế biến.
Phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của nước ta đã không kịp thời nắm bắt xu thế này. Tại Pháp, thị phần cà phê Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cà phê của Pháp những tháng đầu năm 2021 đã giảm rất mạnh, chỉ còn chiếm hơn 4%, trong khi các nước trước luôn chiếm hơn 11%.
Do lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu cà phê thô chưa qua chế biến, nên khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam tại Pháp nói riêng, các thị trường nội khối liên minh châu Âu nói chung trong năm 2021 sẽ thấp hơn so với các đối thủ khác như Brazil.
Tuy nhiên, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam vẫn đang kỳ vọng sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê rang xay và cà phê hòa tan lên chiếm 12% trong tổng lượng xuất khẩu cả phê cả nước trong năm nay.
Trung bình mỗi năm, Việt Nam sản xuất hơn 1,5 triệu tấn cà phê nhưng lượng cà phê xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, chiếm khoảng 90%, do đó, giá trị gia tăng thấp, lợi nhuận thu về chưa tương xứng với lượng hàng xuất đi. Thực tế, giá cà phê nhân tại thị trường trong nước gần đây tăng chủ yếu là do nguyên nhân khách quan chứ không hẳn do ngành cà phê cải thiện mạnh về chất lượng.
Hiện nay, cách thu hoạch cà phê của người dân còn tồn tại nhiều bất cập, chủ yếu áp dụng phương pháp hái tuốt cành. Khi cà phê chín khoảng 40 - 50%, người dân đã bắt đầu hái cả quả chín lẫn quả xanh khiến chất lượng cà phê không đồng đều, nhiều hạt đen, dễ bị vỡ khi sơ chế, làm giảm giá trị lúc bán. Vấn đề này cần phải được khắc phục sớm.
Ngoài việc nâng cao chất lượng cà phê thì việc sở hữu các chứng nhận quốc tế sẽ giúp người trồng cà phê có được giá bán ổn định, thậm chí ngay cả khi thị trường biến động về giá theo chiều hướng xấu, thì người dân vẫn có thể bán được sản phẩm với mức giá tối thiểu, bảo đảm lợi nhuận để có thể tái đầu tư.
Gia ca phe hom nay 31/5
Trên thị trường cà phê thế giới, các sàn giao dịch nghỉ lễ tưởng niệm. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2021 giữ ở mức 1.583 USD/tấn; 162,35 US cent/lb là giá arabica giao cùng kỳ hạn.
Các báo cáo thời tiết dự báo sẽ khô hạn trong 3 tháng mùa đông trên các vùng trồng cà phê chính, là điều kiện thuận lợi để hình thành sương giá vào những đêm trăng tròn sắp tới.
Brazil sắp hoàn tất thu hoạch vụ mùa Conilon robusta với dự báo sản lượng tăng mạnh và bắt đầu chuyển sang thu hoạch arabica chín sớm ở vùng thấp với dự báo sản lượng thất thu nghiêm trọng. Tuy vậy, cà phê vụ mới cũng góp phẩn giảm áp lực nguồn cung.
Chính phủ Colombia đang nổ lực tìm kiếm sự thỏa thuận với người dân để dở bỏ việc phong tỏa các đường cao tốc vận chuyển cà phê ra các cảng xuất khẩu. Suốt hơn 2 tuần qua, khoảng 900.000 bao cà phê xuất khẩu bị đình trệ, trong khi vụ Mitaca giữa năm đã được tiến hành thu hoạch giữa bối cảnh hạn chế xã hội do dịch bệnh Covid-19 lây lan.

Nguồn: VITIC/Reuters