Hoạt động giao dịch cà phê tại Việt Nam tuần vừa qua khá trầm lắng, do vụ thu hoạch mới 2021/22 chưa bắt đầu. Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam loại 2, với 5% hạt đen & vỡ chào bán ở mức trừ lùi 250 USD/tấn hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn London so với mức trừ lùi 250-280 USD/tấn tuần trước đó.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong vụ 2020/21 ước bán 1,4 triệu tấn (riêng tháng 9 là 120.000 tấn), giảm khoảng 100.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái, thu về 2,5 tỷ USD.
Vụ cà phê mới 2021/22 được dự báo sẽ ở mức 1,6 triệu tấn, thậm chí Bộ Nông nghiệp Mỹ còn ước tính trên 1,8 triệu tấn.
Giá cà phê tại Indonesia ít thay đổi do nguồn cung đang ở mức thấp. Giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức trừ lùi 280 USD/tấn hợp đồng kỳ hạn tháng 11 và 12/2021, so với mức trừ lùi 280-300 USD/tấn cách đây 1 tuần.
Trên thị trường thế giới, kết thúc tuần 40, giá hai sàn giao dịch London và New York có diễn biến trái chiều. Giá robusta kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn London giảm 0,09% so với phiên trước đó, chốt ở 2.117 USD/tấn. Còn giá arabica giao kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn New York lại tăng 1,74% lên 201,35 US cent/lb. Tính chung cả tuần, giá robusta giảm 2,35% còn arabica giảm 1,32%.
Kết thúc phiên cuối tuần, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn BMF, Brazil giao dịch ở mức 201,35 US cent/lb.
Một số vùng trồng cà phê arabica vẫn chưa đủ lượng mưa để cây ra hoa vụ mới. Niên vụ cà phê thế giới và cả Việt Nam bắt đầu từ ngày 1/10 năm này đến 30/9 năm sau. Năm kinh doanh vừa qua, ngành cà phê khá lao đao khi nhiều nước sản xuất và tiêu thụ phải thực hiện phong toả nhằm đối phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Nguyễn Quang Bình nhận định, kết quả sau một niên vụ vẫn rất đáng khích lệ.
Báo cáo Thương mại tháng 9 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đã điều chỉnh dư thừa cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020/21 giảm bớt khoảng 0,3 triệu bao và tiêu thụ cà phê toàn cầu tăng thêm khoảng 0,2 triệu bao so với ước tính trước đó, đã góp phần hỗ trợ giá cà phê kỳ hạn thế giới duy trì ở mức cao.
Cuối tuần vừa qua, thông tin cước vận tải biển giảm mạnh khiến các nhà xuất nhập khẩu hàng hoá vui mừng. Trung Quốc và Ấn Độ đang trong tình trạng thiếu điện để sản xuất và sinh hoạt. Nhiều nhà máy giảm công suất, hàng hoá ra không nhiều là cơ hội cho hàng nông sản từ các nước lân cận ở châu Á.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters