Nhìn chung tình hình tiêu thụ lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều cải thiện, tuy giá lúa vẫn còn ở mức thấp. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Số liệu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, giá lúa khô ở một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự ổn định nhưng cũng có địa phương lại có sự giảm nhẹ.
Tại Sóc Trăng, các loại lúa như: Đài thơm 8, OM6976 giữ ổn định so với tuần trước với mức lần lượt là 8.000 đồng/kg và 6.950 đồng/kg. Tuy nhiên, lúa ST24, OM4900 giảm 100 đồng/kg còn 8.350 đồng/kg và 7.650 đồng/kg.
Riêng tại Hậu Giang giá lúa có sự giảm mạnh. Như IR50404 là 5.800 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg; Đài thơm 8 còn 6.800 đồng/kg, giảm 600 đồng/kg; OM5451 là 7.400 đồng/kg.
Tại thành phố Cần Thơ, giá lúa OM 4218 là 6.400 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg, IR50404 còn 6.200 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg. Riêng lúa Jasmine tăng nhẹ 100 đồng/kg ở mức 6.600 đồng/kg.
Tại An Giang, giá lúa tươi một số loại có sự biến động giảm so với cuối tuần trước. Cụ thể, IR50404 giảm 200 đồng/kg còn từ 4.500-4.800 đồng/kg; Đài thơm 8 giảm 300 đồng/kg, còn từ 5.700-5.800 đồng/kg; một số loại lúa OM cũng giảm 200 đồng/kg
Các địa phương khác như Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang… giá lúa vẫn ổn định.
Đến nay, nhìn chung tình hình tiêu thụ lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều cải thiện, tuy giá lúa vẫn còn ở mức thấp nhưng cũng bớt phần nào lo lắng của nông dân.
Hiện Long An đang trong thời điểm thu hoạch vụ lúa Hè Thu, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giá lúa thời điểm hiện tại chỉ là 4.400 đồng/kg, thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Nông dân ở huyện Thủ Thừa cho biết, tuần trước gọi thương lái đến mua nhưng không ai đến. Đến nay đã có thương lái đến mua dù giá không cao.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, đến giữa tháng 8/2021, nông dân Cà Mau đã thu hoạch khoảng 2.500 ha lúa Hè Thu, năng suất bình quân khoảng 4,5 tấn/ha.
Hiện nay, nông dân Cà Mau đang bước vào thời kỳ cao điểm thu hoạch lúa, dự kiến đến cuối tháng 9 sẽ thu hoạch những diện tích còn lại. Tùy từng loại giống, giá bán lúa dao động từ 5.000-6.200 đồng/kg, cao hơn so với năm 2020 từ 500-1.000 đồng/kg, nhưng giảm từ 300-500 đồng/kg so thời điểm đầu năm 2021.
Trước việc tiêu thụ lúa đã có nhiều cải thiện tốt nhưng vẫn còn những khó khăn nhất định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Nam Bộ tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh tạo điều kiện cho nhân công, máy móc thu hoạch lúa, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động thu mua, vận chuyền, xay xát, chế biến, tiêu thụ lúa gạo được thuận lợi trong tình hình tuân thủ các quy định về phòng dịch ở địa phương.
Trong khi giá lúa gạo trong nước chưa có nhiều khởi sắc thì trên thị trường gạo châu Á, giá gạo Ấn Độ cũng giảm trong tuần này, xuống mức thấp của bốn năm rưỡi do nhu cầu yếu và chi phí vận chuyển cao. Các biện pháp hạn chế tại Việt Nam đã đẩy giá gạo xuất khẩu xuống mức thấp của một năm rưỡi.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 352-356 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức từ 354–358 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết các khách hàng đã tạm ngừng mua gạo do giá cước tăng cao, họ đang chờ phí vận chuyển và container giảm.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm xuống 385 USD/tấn trong ngày 19/8, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020, so với mức 390 USD/tấn trong tuần trước.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay các thương nhân không muốn ký thêm các hợp đồng xuất khẩu mới do họ không đảm bảo được việc có thể thu mua gạo từ nông dân hay không giữa lúc đất nước đang áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Ngoài ra, chi phí vận chuyển cao cũng làm cản trở các hoạt động xuất khẩu.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng tới 387 đến 400 USD/tấn trong tuần này so với mức từ 380-395 USD/tấn trong tuần trước. Tuy nhiên nhu cầu nhìn chung vẫn không đổi.
Mới đây, Bangladesh đã cắt giảm thuế nhập khẩu gạo từ mức 25% xuống 15%, lần giảm thứ hai kể từ tháng 12/2020, trong nỗ lực gia tăng nguồn dự trữ và hạ nhiệt giá loại ngũ cốc thiết yếu này trong nước.
Bangladesh, vốn là nhà sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, đã trở thành nhà nhập khẩu ngũ cốc lớn do nguồn dự trữ cạn kiệt và giá trong nước tăng cao kỷ lục sau khi lũ lụt triền miên đã tàn phá vụ mùa trong năm 2020.

Nguồn: bnews.vn