Xuất khẩu thu hẹp đà giảm, vốn đầu tư tăng
Tổng cục Thống kê đánh giá, sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước. Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước.
Tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 0,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 10,1%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,8%; ngành khai khoáng giảm 2,5%, làm giảm 0,4 điểm phần trăm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 515.400 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4,03 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn FDI 8 tháng tiếp tục tăng so với cùng kỳ, đạt hơn 18,15 tỷ USD. Đáng chú ý, số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đầu năm 2023 là 103.658 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (89.899 doanh nghiệp).
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8 ước đạt 61.300 tỷ đồng, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 352.100 tỷ đồng, bằng 49,4% kế hoạch năm và tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 47,6% và tăng 17,1%).
Tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2023 ước đạt 1.124,5 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán năm và giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu hàng hóa tháng 8 tăng 7,7% so với tháng trước. Nếu so sánh với các tháng 5 (tăng 4,3%); tháng 6 (tăng 4,5%); tháng 7 (tăng 0,8%) thì mức tăng của tháng 8 là rất khả quan. Điều này cho thấy các giải pháp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường của doanh nghiệp đã mang lại kết quả tích cực…
Tuy vậy, tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 73,95 tỷ USD, giảm 14,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 133,57 tỷ USD, giảm 17%. Tính chung 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD).
Nới lỏng tài khoá, tiền tệ vực dậy nền kinh tế
Đánh giá về triển vọng những tháng cuối năm, các tổ chức cho rằng, sẽ hồi phục dần. “Việt Nam cũng đối mặt với những vấn đề nội tại như sự chững lại của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp… Tuy nhiên, việc nới lỏng dần chính sách tiền tệ như giảm lãi suất, cắt giảm thuế và mở rộng đầu tư chi tiêu công đã giúp giảm nhẹ tác động của những cơn gió ngược”.
Với lực lượng lao động cạnh tranh, vốn đầu tư cao, các chuyên gia đều tin rằng Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng và triển vọng kinh tế phục hồi trong những tháng cuối năm là khả quan.
Với những nhận định trên, IMF cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, đạt khoảng 4,7% cho cả năm nhờ xuất khẩu phục hồi và các chính sách trong nước nới lỏng. Trong trung hạn, Việt Nam có thể quay trở lại đạt được tốc độ tăng trưởng cao khi các cải cách cơ cấu được thực thi.
Cùng chung quan điểm, cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings tin rằng lực lượng lao động trẻ, ngày càng có trình độ học vấn cao và có tính cạnh tranh cao là sức hút chính đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong 24 tháng tới khi nhu cầu toàn cầu tăng lên và Việt Nam dần giải quyết những thách thức trong nước.
Dù vậy, trong ngắn hạn, các điều kiện bên ngoài đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế. Đó là sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể tiếp tục đè nặng lên thương mại toàn cầu và lạm phát gia tăng trên khắp thế giới có thể gây thêm áp lực giảm tỷ giá hối đoái cho Việt Nam.
Do đó, theo IMF, chính sách kinh tế vĩ mô trước hết cần giúp tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, trong ngắn hạn, ưu tiên giảm thiểu tác động của giá năng lượng cao thông qua hỗ trợ có đối tượng mục tiêu cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương.
Theo khuyến nghị của các tổ chức, chuyên gia, các chính sách lúc này nên tập trung vào bảo đảm sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô, trong khi đẩy nhanh các cải cách. Chính sách tài khóa có thể đóng một vai trò lớn hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việt Nam cần có những hành động quyết liệt nhằm tái cấu trúc thị trường bất động sản và thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng quan trọng. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần đi trực tiếp vào doanh nghiệp: giảm thuế, hoàn VAT nhanh, giữ nguyên nhóm nợ….
Đầu tư công cần được tập trung, tăng hiệu quả thông qua giám sát quốc gia và kế hoạch phát triển vùng. “Chiếm 25% tổng đầu tư toàn xã hội nhưng khi đồng vốn đầu tư công được thúc đẩy sẽ trở thành vốn mồi thúc đẩy vốn đầu tư tư nhân và sẽ là động lực kéo các ngành khác như xây dựng, các ngành sản xuất cùng phát triển”- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu nhận định. 

Nguồn: kinhtedothi.vn