Nhiều ngành hàng đạt kết quả kỷ lục

Ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan: Hàng XK được ưu tiên trong thực hiện thủ tục, kiểm tra, giám sát hải quan

Hoạt động xuất khẩu nông sản, thủy sản được nhà nước khuyến khích với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông, lâm, thủy sản đơn giản, tạo thuận lợi thương mại và được ưu tiên trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.
Hiện tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp do đã xuất hiện biến chủng mới; nhiều nước trên thế giới còn áp dụng chặt chẽ các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch nên hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng. Để hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại từ dịch bệnh, khi xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là đối với mặt hàng nông, thủy sản, các DN cần lưu ý nghiên cứu, nắm tình hình diễn biến dịch bệnh và chính sách kiểm soát phòng chống dịch của Việt Nam cũng như các nước có liên quan kịp thời; thực hiện hoạt động thương mại theo thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, các nội dung thỏa thuận tại các hợp đồng thương mại quốc tế nên được đàm phán chặt chẽ và có những điều khoản dành riêng cho trường hợp ảnh hưởng do dịch bệnh, thiên tai…
Ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn: Tạo thuận lợi, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho hàng xuất khẩu
Một trong các mục tiêu lớn trong thời gian tới của Tân cảng Sài Gòn là tập trung cho giải pháp kết nối trực tiếp ĐBSCL, Bình Dương, Đồng Nai - Cái Mép bằng cách tận dụng được ưu thế về kết nối đường thủy từ các cảng, ICD của chúng tôi tại các khu vực này và giảm áp lực hạ tầng đường bộ kết nối đến TPHCM, đồng thời giúp DN giảm thu phí cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Tân cảng Sài Gòn xây dựng những giải pháp mới với dịch vụ kết nối đa phương thức từ ĐBSCL đi Viêng Chăn (Lào) thông qua tàu biển nội địa của Tân Cảng Shipping, ghé cảng Việt Lào, đáp ứng nhu cầu mở rộng, cùng thâm nhập vào thêm các thị trường mới và tiềm năng cho hàng hóa từ ĐBSCL.
Bà Bùi Hoàng Yến, Tổ Phó Tổ Công tác miền Nam, Cục Xúc tiến thương mại- Bộ Công Thương: Tận dụng lợi thế FTA để gia tăng xuất khẩu
EVFTA là hiệp định hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội cho hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu đầy tiềm năng. DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất,... Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ và về tiêu chuẩn kỹ thuật của EU. Nhóm PV (ghi).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021. Sau 6 tháng, ngành nông nghiệp ghi nhận 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị XK đạt trên 1 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất. Ngành nông nghiệp đã mang về thặng dự thương mại khoảng 5,75 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Là một trong những mặt hàng có mức tăng trưởng kim ngạch XK ấn tượng, thủy sản đã mang về 5,8 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022, tăng 40,8%. Kết quả này đã đánh dấu kỷ lục của thủy sản cả về doanh số và tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ các năm trước.
Tương tự như thủy sản, XK gạo của Việt Nam cũng ghi nhận tăng trưởng cả về lượng và kim ngạch. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước XK trên 3,49 triệu tấn gạo, tương đương trên gần 1,71 tỷ USD, giá trung bình đạt 488,7 USD/tấn, tăng 15,4% về khối lượng, tăng 3,6 % về kim ngạch.
Tin vui đến với ngành gạo trong 6 tháng đầu năm nay là việc 2 DN XK gạo lớn của Việt Nam là Lộc Trời và Tân Long đã XK thành công gạo mang thương hiệu riêng của DN sang các thị trường khó tính hàng đầu thế giới là EU và Nhật Bản. Điều này đã tạo ra vị thế mới của hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, mở ra cơ hội cạnh tranh cao hơn và nâng cao giá trị của sản phẩm gạo Việt Nam.
Để có được kết quả ấn tượng như trên của ngành nông nghiệp, bên cạnh sự chủ động của DN, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy XK nông, lâm, thủy sản…, còn có sự tích cực cải cách thủ tục hành chính của cơ quan Hải quan, tạo thuận lợi nhất cho DN.
Đáng chú ý, trong đợt cao điểm XK nông sản tại các tỉnh biên giới phía Bắc, các đơn vị Hải quan đã bố trí cán bộ công chức giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu là nông sản qua cửa khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; ưu tiên, bố trí, sắp xếp các xe đã hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa trước được đi qua cửa khẩu sớm. Đồng thời, các đơn vị Hải quan phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi tại cửa khẩu bố trí khu vực, địa điểm tạo điều kiện cho hàng hóa là nông sản đưa vào lưu trữ, bảo quản trong thời gian chờ XK; phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Công an để điều tiết giao thông cho xe ra vào, không bị ùn tắc, đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng mất ổn định gây ảnh hưởng đến hoạt động XK của doanh nghiệp.
Lưu ý khi XK sang thị trường cao cấp
Năm 2022, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 2,8 - 3% so với năm 2021, tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 55 tỷ USD. Trong đó, nông sản chính đạt 25 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; thủy sản 10 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này, việc tập trung đẩy mạnh các thị trường lớn của nông sản của Việt Nam, gồm: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được xác định là giải pháp then chốt. Nhằm giúp các DN khai thác tốt những thị trường này, gia tăng giá trị XK, đại diện Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công Thương đã đưa ra một số lưu ý.
Trong đó, tại thị trường Nhật Bản, khi nhập khẩu nông sản, đối tác không chỉ xem kết quả xét nghiệm tồn dư về thuốc bảo vệ thực vật hoặc dư lượng kháng sinh mà còn muốn biết việc trồng trọt, nuôi trồng theo kỹ thuật nào, bón những loại phân gì, xử lý sâu bệnh ra sao… Mặt khác, các DN lần đầu tạo quan hệ hợp tác với đối tác Nhật Bản phải kiên trì, đáp ứng được những yêu cầu ban đầu của họ như trả lời bộ câu hỏi với hàng nghìn câu bằng tiếng Anh hoặc gửi mẫu cho đối tác kiểm tra có thể đến 10 - 20 lần để họ đánh giá. Giai đoạn này có thể rất mất thời gian (2 - 3 năm chỉ để trả lời câu hỏi của họ) nhưng khi sản phẩm đã được chấp nhận thì việc hợp tác sẽ dễ dàng hơn.
Còn với thị trường Hàn Quốc, DN Việt Nam cần nỗ lực đổi mới cách làm, chú ý kỹ đến các tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, sự phù hợp với sở thích tiêu thụ của người tiêu dùng Hàn Quốc như tính tiện lợi trong sử dụng sản phẩm, chú trọng đầu tư cho bao gói, truyền tải thông tin rõ ràng, chi tiết và hấp dẫn về sản phẩm...
Đối với thị trường EU, việc sản xuất phải gắn liền với tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực theo tiêu chuẩn khắt khe của EU. Mặt khác, ở góc độ quốc gia cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại, đàm phán để tránh việc bị EU áp các rào cản kỹ thuật không hợp lý. Bên cạnh đó, nông dân và DN phải đưa công nghệ truy xuất nguồn gốc vào từng khâu trong quá trình sản xuất nông sản XK.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, đại diện Cục Xúc tiến thương mại lưu ý, các DN nếu có mong muốn đưa hàng hóa nhanh chóng có mặt trên thị trường Hoa Kỳ cần phải thông qua kênh phân phối của các DN đã có tại thị trường này. Việc tiếp cận, đàm phán, giới thiệu sản phẩm và đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, tem nhãn, điều kiện lao động, tiền lương, an toàn cháy nổ… ban đầu tuy rất khó khăn, nhưng khi đã đáp ứng được những tiêu chuẩn này, DN Việt Nam có thể mở rộng và phát triển ổn định hoạt động sản xuất. Thêm nữa, việc đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế này cũng giúp DN có thể nhanh chóng tiếp cận được các thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Canada, EU.

Nguồn: Haiquanonline