Theo số liệu mới nhất của chính phủ Trung Quốc, năm 2023 Trung Quốc đã nhập khẩu 2,64 triệu tấn thịt lợn và phụ phẩm lợn, giảm 5,2% so với năm 2022, và giảm mạnh so với khối lượng nhập khẩu từ 4 đến 5 triệu tấn trong năm 2020 và năm 2021 do việc tái thiết đàn lợn Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng dịch tả ASF.
Trong năm 2023 nhập khẩu 1,54 triệu tấn thịt lợn tươi và đông lạnh và 1,1 triệu tấn phụ phẩm lợn giết mổ; trong đó, nhập khẩu thịt lợn tươi và đông lạnh giảm 11,6% so với năm 2022, nhập khẩu phụ phẩm lợn tăng 5,6%.
Thịt lợn nhập khẩu nhiều nhất từ EU, chiếm khoảng 50% trong tổng lượng thịt lợn và các phụ phẩm lợn nhập khẩu; trong đó, nhập khẩu chủ yếu từ Tây Ban Nha với gần 602.000 tấn, Hà Lan khoảng 241.000 tấn và Đan Mạch khoảng 234.000 tấn (thịt và phụ phẩm). Tuy nhiên, nhập khẩu từ nhiều nước sụt giảm mạnh từ năm 2021 đến năm 2022. Ví dụ, nhập khẩu từ Đan Mạch năm 2023 giảm 116.000 tấn tức giảm 33,2% so với năm 2022 và Tây Ban Nha cũng giảm mạnh 88.000 tấn hay giảm 12,7% so với mức đã rất thấp năm 2022. Nhìn chung, Trung Quốc nhập khẩu thịt lợn từ thị trường EU (bao gồm cả phụ phẩm) đã giảm từ 55,7% năm 2022 xuống 49,4% trong năm 2023.
Ngược lại, nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ tăng 8,7% lên 425.000 tấn, Canada tăng 44,2% lên 240.000 tấn. Tuy nhiên, nhập khẩu từ Brazil giảm khoảng 3,7% so với năm trước, đạt 422.000 tấn. Giá thịt lợn toàn cầu giảm ở Bắc và Nam Mỹ có thể mang lại cơ hội cho các nước đó trong cuộc cạnh tranh trên thị trường thịt lợn Trung Quốc. Năm nay, Nga một lần nữa nằm trong số các quốc gia cung cấp thịt lợn cho Trung Quốc. Sau nhiều năm đàm phán, Trung Quốc hiện đã đồng ý nguyên tắc khu vực hóa, để thịt lợn từ Nga giờ đây có thể được nhập khẩu trở lại thị trường Trung Quốc sau lệnh cấm liên quan đến dịch tả ASF. 

Nguồn: Vinanet/VITIC/euromeatnews