Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, từ báo cáo của các nhà máy đường cho thấy, vụ ép 2020-2021, sản lượng mía nguyên liệu tiêu thụ, đưa vào chế biến chỉ đạt gần 6,74 triệu tấn mía, so với dự kiến đầu vụ là gần 7,5 triệu tấn. Như vậy, đây là vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 20 vụ gần đây. Điều này dẫn đến số lượng nhà máy hoạt động thấp nhất chỉ còn 24 nhà máy.
Nguyên nhân sụt giảm do một số vùng mía tiếp tục bị hạn hán, bão lụt gây hại, làm giảm cả diện tích lẫn năng suất và chất lượng mía.
Bên cạnh đó, do giá đường các vụ trước đó xuống thấp vì tác động cạnh tranh quyết liệt của các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nước ngoài, đường nhập lậu và gian lận thương mại. Đầu năm 2021, khi Bộ Công Thương có quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, các nhà máy đường đã ngay lập tức nâng giá mua mía từ mức 800.000 – 850.000 đồng/tấn lên mức từ 900.000 – 1.100.000 đồng/tấn tùy theo vùng. Điều này nhằm khuyến khích nông dân duy trì diện tích mía hiện có, mở rộng thêm diện tích trồng mới, từng bước khôi phục diện tích mía vùng nguyên liệu.
Tuy nhiên, do mới là quyết định áp thuế tạm thời và thời điểm ban hành lại rơi vào giai đoạn cuối vụ, giữa mùa khô, không còn phù hợp cho việc trồng mới ở đa số vùng nguyên liệu. Ngoài ra, ở thời điểm này, cũng không còn nhiều nguồn hom giống và quỹ đất để trồng mới, nên không thể ngay lập tức tăng nhanh diện tăng diện mía vụ 2021-2022.
Do diện tích mía nguyên liệu giảm, nhưng vào vụ chế biến, giá đường, giá mía tăng, tình trạng tranh mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường lại tái diễn ở nhiều vùng. Gay gắt nhất là ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, dẫn tới nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực như việc “cho chữ”, “cho tạp chất”, “cho cước”… của các nhà máy đường đối với nông dân và thương lái mía để tranh mua mía nguyên liệu.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, chính tình trạng tranh mua mía nguyên liệu không lành mạnh giữa các nhà máy đường thông qua chính sách “ngầm” đã và đang gián tiếp phá vỡ mối liên kết giữa các nhà máy đường với nông dân trồng mía, gây bất ổn định cho sự phát triển của các vùng mía tập trung.
Vụ sản xuất 2020-2021 có 24 nhà máy hoạt động. Sản lượng đường sản xuất được là 901.230 tấn; trong đó, đường sản xuất từ mía là 689.830 tấn, còn lại là từ đường thô nhập khẩu là 211.400 tấn.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2021-2022 dự báo sẽ là một năm khởi sắc của ngành đường Việt Nam sau khi có Quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá chống trợ cấp chính thức đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm, mặc dù tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Vụ chế biến 2021-2022, dự kiến còn 24 nhà máy đường hoạt động, với tổng công suất thiết kế là 122.200 tấn mía/ngày.
Theo báo cáo của các nhà máy đường dự kiến còn hoạt động trong vụ 2021-2022, diện tích mía thu hoạch 148.196 ha. Sản lượng mía đưa vào chế biến 8.599.409 tấn. Sản lượng đường 873.283 tấn.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, trong niên vụ tới, ngành mía đường sẽ củng cố phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường, đặc biệt trong điều kiện cạnh tranh cây trồng ngày càng gia tăng tại các địa phương.
Để củng cố và phát triển chuỗi liên kết, các nhà máy đường cần xác định minh bạch hóa khâu phân tích chữ đường (CCS) và đánh giá tỷ lệ trừ tạp chất của các nhà máy đường, tạo sự tin tưởng của nông dân đối với nhà máy đường, để nông dân yên tâm đầu tư thâm canh tăng năng suất và chữ đường, đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Các nhà máy xây dựng hệ thống chia sẻ lợi nhuận từ việc sản xuất 1 tấn đường, giữa nông dân và nhà máy đường đảm bảo được vị thế bình đẳng của nông dân và nhà máy đường trong mối liên kết. Các hộ nông dân cần hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, nông trường trồng mía tập trung, áp dụng giống mía mới, cơ giới hóa đồng bộ và biện pháp thâm canh tiên tiến để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả trồng mía và chế biến đường.
Bên cạnh các giải pháp ứng phó nhằm ổn định vùng nguyên liệu mía trong điều kiện biến đổi khí hậu, ngành mía đường cần xây dựng các gói giải pháp tổng hợp bao gồm: giống, canh tác, tưới tiêu, phân bón, phòng trừ sâu bệnh nhằm thích ứng và giảm thiểu rủi ro cho từng cấp sản xuất. Đồng thời, triển khai chương trình giống nhằm mục tiêu tối ưu hóa cơ cấu bộ giống mía, tạo ra bước đột phá trong việc tăng năng suất và chất lượng mía. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành mía đường.
Để giúp người nông dân yên tâm phát triển cây mía, phục hồi vùng nguyên liệu từ vụ trồng Đông Xuân tới, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản gửi các hội viên khuyến cáo giá mua mía, gửi UBND các tỉnh có trồng mía về hiệp thương giá mua mía cho vụ ép 2021-2022.
Theo đó, tùy vào hoàn cảnh thực tế tại địa phương, trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng cao, các nhà máy đường cần sớm xem xét hiệp thương với nông dân trồng mía và địa phương; điều chỉnh tăng giá mua mía cho vụ mới, sao cho giá mua mía bảo đảm người nông dân bù đắp đủ chi phí có thu nhập đủ sống với cây mía.
Giá mía cũng cần xây dựng bảo đảm cho người nông dân có thu nhập tương đương hoặc cao hơn so với cây trồng cạnh tranh chính tại địa phương. Có như vậy, người nông dân mới có thể an tâm tiếp tục đồng hành cùng các nhà máy đường trong việc phát triển, phục hồi diện tích trồng mía và ngành mía đường Việt Nam./.

Nguồn: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN