Giá giảm từ 4 - 20%
Số liệu từ Phòng Dự báo và cân đối cung cầu hàng hóa (Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương) - cho thấy, các doanh nghiệp (DN) lớn của ngành sữa trên thị trường Việt Nam đều đã đăng ký giá niêm yết cho các sản phẩm của mình. Một số công ty còn đăng ký mức giảm giá từ 4 - 20% so với thời gian trước, thậm chí một số mã sản phẩm có mức giá bán buôn giảm trên 20%. Đơn cử, mức giá bán buôn của Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam cho sản phẩm Ducth Lady sáng tạo Gold 1.500g nay còn 2.156.400 đồng/thùng 6 hộp (giá trước đây là 2.491.000 đồng/thùng, giảm 13%), sản phẩm Ducth Lady baby mau lớn Gold 900g nay còn 2.896.800 đồng/thùng 12 hộp, trước là 3.665.000 đồng/thùng, giảm 21%)...
Thực tế sau hơn 1 tháng gỡ bỏ áp trần, hiện tại giá sữa ở các siêu thị, đại lý phân phối đều không có nhiều thay đổi. Khảo sát của phóng viên Báo Công Thương tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), giá sữa Nutifood nutiva 900g cho trẻ trên 3 tuổi có giá 278.000 đồng/hộp, Nitifood nuti Gold 123 900g là 247.000 đồng/hộp... Nhân viên ngành hàng tại đây cho hay, giá sữa thời gian qua gần như không có dấu hiệu tăng ở hầu hết các nhãn hàng. Một số mặt hàng tăng giá nhưng không quá 5% và số lượng cũng không nhiều, tuy nhiên, khi kết hợp với chương trình khuyến mại của siêu thị thì giá về như cũ. Các hãng sữa còn đang tích cực đẩy mạnh chiến dịch kích cầu thông qua giảm giá bán từ 5 - 15% như Vinamilk hay Nutifood.
Chị Nguyễn Thị Bình - chủ một đại lý phân phối sữa tại Hà Nội - chia sẻ, thị trường có nhiều sản phẩm cạnh tranh nên các hãng đều có chính sách ổn định, giảm giá các mặt hàng để thu hút, giữ chân khách hàng. Các cơ sở bán buôn, bán lẻ đều cố gắng hạ giá xuống thấp nhất có thể hoặc có những chính sách khuyến mại khi mua nhiều, tặng kèm sản phẩm, đồ chơi... Vì thế, việc gỡ bỏ áp trần giá sữa thời điểm qua có thể nói không gây tác động thay đổi lớn đối với các DN kinh doanh.
Kích cầu tiêu dùng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2017, tình hình sản xuất sữa vẫn tăng trưởng. Cụ thể, sản lượng sữa tươi ước đạt 293,7 triệu lít, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với sữa bột, tháng 3/2017 đạt khoảng 8,3 nghìn tấn, tăng 15,5% so với tháng 3/2016, nâng sản lượng sữa bột quý I/2017 lên 25,8 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Với nguồn cung dồi dào, ông Vũ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam - khẳng định, biện pháp gỡ bỏ áp trần giá sữa giúp cởi trói cho các DN, thị trường đang được tự điều tiết theo đúng quy luật cung - cầu. Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho rằng, theo Luật Giá, chỉ áp dụng giá trần khi lĩnh vực có DN độc quyền, hoặc DN thống lĩnh thị trường có thể ảnh hưởng tới cạnh tranh công bằng. Việc bỏ áp giá trần mặt hàng sữa sẽ thúc đẩy DN sản xuất đầu tư và cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, người tiêu dùng được mua sữa với mức giá phù hợp hơn.
Tuy nhiên, để bảo đảm quản lý hiệu quả giá sữa, Bộ Công Thương sẽ quản lý theo chuỗi, từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến bán lẻ, trong đó tập trung quản lý giá sữa ở khâu bán lẻ với sự tham gia của các Sở Công Thương, quản lý thị trường các tỉnh, thành phố.
Theo Dự thảo Thông tư quy định đăng ký, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi của Bộ Công Thương, thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa và thực phẩm chức năng phải thông báo mức giá thay cho văn bản kê khai giá khi điều chỉnh tăng, giảm giá hàng hóa, dịch vụ trong phạm vi 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.
Nguồn:Thu Hà/Báo Công Thương điện tử