Xuất khẩu thủy sản vẫn có cơ hội
Theo
nongnghiep.vn, dịch Covid-19 đang khiến cho xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn không chỉ sang Trung Quốc mà cả nhiều thị trường khác. Theo Bộ Công thương, thông tin từ Cục Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc), cho hay, các kho hàng lạnh tại Thiên Tân và Thượng Hải (2 trong số các cảng lớn trên thế giới), hiện đang đầy hàng. Do đó, các công ty vận tải cập cảng Thượng Hải có thể phải nộp phí tắc nghẽn hoặc được chuyển sang các cảng khác ở Trung Quốc. Cục Hàng hải Trung Quốc đề nghị các công ty vận chuyển nên gửi container đến các cảng ở Shekou, Ninh Ba, Taican hoặc các nơi khác, tạm thời đến ngày 28/2.
Sự tắc nghẽn ở các cảng Trung Quốc đang ảnh hưởng lới tới xuất khẩu thủy sản của nhiều nước. Peru thông báo tạm thời ngừng xuất khẩu. Các nhà xuất khẩu tôm của Ấn Độ đã buộc phải tìm thị trường khác để xuất khẩu lượng tôm dư thừa. Chile cũng tạm dừng xuất khẩu cá hồi, dù Trung Quốc là thị trường lớn thứ 5 của cá hồi Chile với kim ngạch 274 triệu USD trong năm 2019.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc cũng đang bị ảnh hưởng không nhỏ. Không chỉ xuất khẩu tới Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản nói chung trong thời gian tới nhiều khả năng cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, mà trước hết là phải cạnh tranh gay gắt hơn tại nhiều thị trường khác. Bởi các nước khác cũng gặp khó khăn khi xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc nên cũng đang đẩy mạnh khai thác các thị trường ngoài Trung Quốc, nhất là những thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ngoài việc giành được đơn đặt hàng mới, các mặt hàng thủy sản nhiều khả năng sẽ chịu áp lực giảm giá.
Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn nhưng cũng là nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (đạt giá trị xuất khẩu hơn 20 tỷ USD năm 2017). Covid-19 sẽ khiến cho xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc gặp khó khăn lớn và có thể bị suy giảm đáng kể, làm cho thị trường thế giới sẽ tạm thời thiếu hụt nguồn cung với nhiều mặt hàng thủy sản. Vì vậy, đây cũng có thể là cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tận dụng cơ hội, đa dạng thị trường xuất khẩu, bù đắp lại phần bị sút giảm khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Covid-19 ảnh hưởng tới thị trường hạt điều
Theo
nongnghiep.vn, dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường điều thế giới, trong khi điều có dấu hiệu được mùa ở nhiều nơi. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường Trung Quốc đã tạm dừng giao dịch nông sản của Việt Nam tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Quý 1 và tháng 4 hàng năm Trung Quốc thường nhập khẩu hạt điều ít nhất, nhưng tác động trực tiếp của Covid-19 đối với ngành điều Việt Nam là không nhỏ. Trung Quốc vốn tiêu thụ nhiều hạnh nhân hơn hạt điều, nhưng Covid-19 khiến lượng hạnh nhân nhập khẩu vào Trung Quốc giảm mạnh, làm cho giá hạnh nhân giảm theo, khiến người tiêu dùng chuyển sang dùng hạt hạnh nhân, dẫn đến tiêu thụ hạt điều giảm.
Sau Tết, tại các thị trường EU và Mỹ giao dịch điều nhân đang khá trầm lắng. Giá điều nhân hiện tại có dấu hiệu xuống thấp hơn. Giá giao dịch mã W320 giảm 10-15 cent/lb so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Vinacas nhận định, nếu dịch bệnh không được dập tắt sớm, giá điều nhân có chiều hướng giảm thêm, xuất khẩu nhân điều của Việt Nam chắc chắn sẽ giảm. Hiện mùa vụ điều của Việt Nam đang diễn ra bình thường tuy thời điểm thu hoạch trễ hơn các năm trước do thời tiết lạnh hơn, dự kiến phải cuối tháng 2 mới rộ.
Theo dự báo, sản lượng điều thô của Việt Nam và Campuchia năm nay tăng hơn năm trước. Lượng điều thô của các nước Tây Phi và Đông Phi hiện còn tồn với số lượng lớn. Tây Phi đang vào vụ, thời tiết thuận lợi, chắc là sẽ được mùa; sản lượng dự kiến sẽ tăng. Như vậy, năm nay, nguồn điều nguyên liệu khá dồi dào, trong khi thị trường điều nhân lại đang gặp khó do ảnh hưởng của Covid-19, các doanh nghiệp không nên vội vã mua điều thô ngay để tránh bị ép giá cao.
Sóc Trăng dự kiến cung ứng 30.000 tấn gạo ST25 ra thị trường
Vietnambiz.vn đưa tin, theo Trung tâm khuyến nông quốc gia, Doanh nghiệp Tư nhân Hồ Quang Trí đã triển khai sản xuất khoảng 200 ha giống lúa nguyên chủng ST25. Dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ cung ứng khoảng 30.000 tấn gạo ra thị trường. Bên cạnh ST25, Sóc Trăng còn có giống lúa ST24 hiện đang được trồng rộng rãi trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của Nhóm tác giả Hồ Quang Cua, giống lúa ST24 là giống “sinh đôi” với ST25, về chất lượng còn có vài điểm vượt trội hơn ST25, nhưng giá cả lại rẻ hơn rất nhiều so với ST25.
Gạo ST24 cũng đã đứng top 3 gạo ngon thế giới năm 2017, tuy nhiên việc tuyên truyền, quảng bá cho gạo ST24 còn nhiều hạn chế nên ít người tiêu dùng biết đến.
Tỏi Khánh Hòa liên tục giảm giá
Theo
nongnghiep.vn, hiện nông dân vùng trồng tỏi ở Khánh Hòa đang vào vụ thu hoạch rộ. Dù năng suất tương đối khá, song giá tỏi liên tục giảm.
Năm nay nhờ tới tiết thuận lợi, tỏi ít sâu bệnh nên năng suất tương đối khá. Cụ thể, 1 sào (1.000 m2) cho năng suất trung bình khoảng 1 tấn tươi, tương đương 10 tấn/ha, cá biệt lên đến 1,2-1,5 tấn sào.
Trước tết, giá tỏi tươi 50-60 ngàn đ/kg, hiện chỉ còn 15 – 30 ngàn đ/kg (tùy loại). Với giá này, nông dân thu hoạch, sau khi trừ chi phí chỉ lãi tầm 5-6 triệu đ/sào. Lý do tỏi liên tục giảm, do trước Tết nguồn cung khan hiếm. Còn bây giờ nông dân bắt đầu thu hoạch rộ, năng suất cao, trong khi đầu ra tiêu thụ trong nước “ăn chậm”.
Nhà máy đường đồng loạt tăng giá thu mua mía
Thông tin từ
nongnghiep.vn, sau khi giá đường trên thị trường thế giới quay đầu tăng, các doanh nghiệp mía đường trong nước những ngày gần đây đồng loạt điều chỉnh tăng giá mua mía nguyên liệu.
Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU) tăng giá thu mua 20.000 đồng/tấn mía, từ mức 760.000 đồng/tấn lên 780.000 đồng/tấn tại ruộng từ ngày 16/1/2020. Mặc dù điều chỉnh nâng giá, nhưng mức thu mua của NASU so với một số nhà máy đường vẫn thấp hơn bình quân từ 70.000 -100.000 đồng/tấn.
Công ty CP Mía đường Sơn La. Trong thông báo phát đi ngày 12/2/2020, tăng giá sàn thu mua mía nguyên liệu (giá bảo hiểm) từ 800.000 đồng/tấn lên 850.000 đồng/tấn đối với mía đảm bảo tiêu chuẩn tươi, sạch. Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco) ngày 22/2 thông báo, sẽ bổ sung thêm 30.000 đồng/tấn đối với mía đã thu mua về nhà máy từ ngày 4/2/2020 đến hết vụ ép.
Với mía niên vụ 2020 - 2021 tại ruộng đã bốc lên phương tiện vận chuyển giá sẽ được áp dụng là 900.000 đồng/tấn đối với mía 10CCS; 850.000 đồng với mía từ 8 đến dưới 10CCS; 800.000 đồng/tấn đối với mía từ 7 CCS đến dưới 8 CCS và giá 700.000 đồng/tấn đối với mía dưới 7CCS.
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Lasuco chia sẻ, thể theo nguyên vọng của người trồng mía, bắt đầu tư niên vụ 2021 - 2025 phía doanh nghiệp sẽ không áp dụng các chính sách hỗ trợ mà tập trung vào giá mua mía nguyên liệu theo mức 1 triệu đồng/tấn đối với mía có chất lượng 10CCS.
Cũng theo ông Lê Văn Tam, việc Lasuco tăng giá mua mía nguyên liệu không hẳn do giá mía đường thế giới tăng mà chủ yếu đây là chính sách, chiến lược của doanh nghiệp nhằm chia sẻ, cam kết đồng hành lâu dài với người trồng mía tại Thanh Hóa.