Trên sàn ICE, giá cà phê Robusta đã giảm xuống mức thấp hơn 3 năm theo xu hướng giảm giá cà phê Arabica do vụ thu hoạch lớn tại Brazil trong năm ngoái và triển vọng vụ mùa thuận lợi trong năm nay. Cà phê Robusta kỳ hạn tháng 7/2019 đã giảm 1 USD, tương đương 0,07%, xuống mức 1.390 USD/tấn, sau khi giảm xuống mức thấp nhất là 1.369 đô la, mức thấp thứ hai kể từ tháng 3/2016. Các thị trường Arabica đã giảm từ tuần trước và bây giờ đến lượt Robusta. Cà phê Arabica giao tháng 7/2019 tăng 1 cent, tương đương 1,1%, đạt mức 93,35 cent/ lb.

Theo giới thương nhân Indonesia cho biết, mức cộng của cà phê robusta loại 4, khiếm khuyết 80 tăng lên 150 - 160 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 5 trên sàn London, một tuần trước mức cộng là 150 USD/tấn.
Như vậy, giá cà phê Indonesia vẫn cao kể từ khi giao dịch chủ yếu từ các khách hàng lớn tại địa phương. Điều này gây bất lợi đối với ngành cà phê Indonesia, nhưng đây là cơ hội đối với các nước xuất khẩu cà phê lớn khác, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, xuất khẩu cà phê được dự báo sẽ giảm còn 2 triệu bao 60 kg trong tháng 4 so với mức 2,87 triệu bao vào tháng 3, do nông dân không muốn bán với giá thấp.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Thái Lan trong 2 tháng đầu năm 2019, tốc độ nhập khẩu giảm 17,5% về lượng và giảm 22,8% về trị giá, theo đó thị phần cà phê Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu Thái Lan cũng giảm từ 71,4% trong 2 tháng đầu năm 2018, xuống còn 61,8%.
Trong khi đó, Thái Lan đẩy mạnh nhập khẩu cà phê từ một số thị trường như Indonesia với tốc độ nhập khẩu tăng tới 273,3% về lượng và tăng 211,7% về trị giá, nhờ vậy thị phần cà phê Indonesia trong tổng lượng nhập khẩu Thái Lan tăng mạnh từ 3,7% thị phần trong 2 tháng đầu năm 2018, lên tới 14,5% thị phần 2 tháng đầu năm 2019.
Xét về cơ cấu nguồn cung cà phê Thái Lan hiện nay thì Indonesia đang là đối thủ cạnh tranh lớn nhất với ngành cà phê Việt Nam. Mặc dù vậy, giao dịch cà phê đang chậm lại tại Indonesia do cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội.