Tại Hội nghị Cà phê Quốc tế châu Á tổ chức hai ngày 5,6 -12-2023 tại TP.HCM, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, tập đoàn xuất khẩu cà phê nhân lớn nhất Việt Nam, đã đưa ra nhận định niên vụ cà phê năm 2023-2024 và xu hướng xuất khẩu của ngành cà phê trong năm 2024.
Người Việt tăng uống cà phê
Theo ông Nam, niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến giảm nhẹ, khoảng 1,6 – 1,7 triệu tấn. Năng suất cà phê tăng ở Lâm Đồng nhưng giảm ở nhiều tỉnh khác như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Diện tích vùng trồng cà phê đang tiếp tục có xu hướng giảm, đặc biệt ở Đắk Lắk, Đắc Nông. Thu hoạch muộn hơn mọi năm do mưa tại các vùng trồng chính.
“Lượng tiêu thụ cà phê nội địa dự kiến tiếp tục tăng, tổng năng suất nhà máy chế biến cà phê hòa tan ước tính 100.000 tấn thành phẩm/năm, tương đương 230.000 tấn cà phê nhân và dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới do có nhiều dự án đầu tư, mở rộng công suất nhà máy”- ông Nam chia sẻ.

Lượng tiêu thụ cà phê trong nước năm 2024 dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới.
Trong năm 2024, thị trường cà phê rang xay chế biến, tiêu thụ nội địa ổn định, dự kiến khoảng 150.000 tấn. Tổng lượng cà phê nhân tiêu thụ nội địa có thể tăng lên 350.000- 400.000 tấn/năm nếu các nhà máy cà phê hòa tan đạt hết công suất.
Cà phê bán được giá trong năm 2024
Về xuất khẩu, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex phân tích sản lượng xuất khẩu cà phê dự kiến giảm, đặc biệt sau tết Nguyên Đán vào tháng 2-2024.
Cà phê vụ mới đang chào bán mức 60.000 đồng/kg, giao hàng tháng 12-2023 và tháng 1-2024. Mức giá này cao hơn nhiều so với vụ trước do nhu cầu mua lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp FDI.
Dự kiến mức giá chào bán này sẽ còn tiếp tục tăng đến tháng 4-2024 do người dân sẽ hạn chế bán ra. Giá nội địa sẽ tiếp tục đứng ở quanh mức 60.000 đồng/kg, có thể còn tăng sau Tết nhưng sẽ khó tăng cao.
Giá trừ lùi xuất khẩu dự kiến sẽ co lại ở mức +150 đến + 200USD, nếu giá cà phê giao dịch trên sàn London giảm dưới mức 2.200USD/tấn. Theo ông Nam, khả năng sẽ không xảy ra tình trạng trễ hạn giao hàng trong vụ mới do các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và FDI đều rút kinh nghiệm từ vụ trước.

Nhiều dự án đầu tư, mở rộng công suất nhà máy chế biến cà phê hòa tan tăng trong năm tới.

Thị trường thế giới siết tiêu chuẩn
Theo ông Đỗ Hà Nam, năm 2024, các nhà rang xay lớn của thế giới như JDE, Nestle, Tchibo… sẽ tiếp tục phối hợp với các chính phủ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp để xây dựng các chương trình cà phê bền vững cũng như cam kết tăng mạnh sản lượng cà phê có chứng nhận trong các năm tới.
Thị trường EU đang siết chặt quy định về nhập khẩu, yêu cầu về việc truy xuất nguồn gốc – chống phá rừng (EUDR) cho sản phẩm cà phê. Do đó, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng cà phê, đặc biệt là vai trò của nhà xuất khẩu phải tăng khả năng thích ứng và hành động để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định thị trường đặt ra. Và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng xuất khẩu của vụ 2023-2024 và đặc biệt từ vụ 2024-2025 trở đi, khi quy định dự kiến sẽ chính thức áp dụng.