Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2021, ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thời tiết khí hậu bất thường, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, dịch bệnh bùng phát từ cuối tháng 4/2021.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển ngành tôm tháng cuối năm 2021 và năm 2022” ngày 10/12/2021, ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, trong năm qua, giá thành sản xuất tôm Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực.
Nguyên nhân do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ. Bên cạnh đó, nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện (chi phí cao gấp 2 lần so với sử dụng điện); giá cước vận chuyển vật tư, nguyên liệu cao.
Đáng chú ý, năm 2021 nổi lên một số thách thức mới về xuất khẩu như sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về an toàn thực phẩm.
Một số thị trường nhập khẩu chính thủy sản của Việt Nam đã có thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm. Ví dụ như với thị trường Hàn Quốc, sản phẩm tôm phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch. Tuy nhiên, thời gian xử lý nhiệt theo quy định của Hàn Quốc dài, ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc, mùi vị… của sản phẩm.
”Với thị trường Brazil, quy định chế độ xử lý nhiệt khắt khe hơn rất nhiều so với hướng dẫn của Tổ chức Thú y Thế giới”, ông Trần Công Khôi nhấn mạnh.
Về kết quả cụ thể, đại diện Tổng cục Thủy sản nêu rõ: Sản lượng tôm nuôi cả năm ước đạt 970 nghìn tấn, tăng 4,3% so với năm 2020. Trong đó, tôm sú 277,5 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 642,5 nghìn tấn, còn lại là tôm khác. Ước kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2021 đạt 3,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2020.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, ngành hàng tôm Việt Nam có thể mạnh về thị phần, chất lượng so với các đối thủ cạnh tranh. Thời gian tới, các doanh nghiệp thủy sản nói chung, ngành hàng tôm nói riêng cần chú trọng hơn nữa đảm bảo an toàn cho sản xuất. Điều này tốn nhiều công sức và chi phí nhưng rất cần thiết.
Song song với đó, phải theo dõi diễn biến tình hình thị trường, nhu cầu cũng như năng lực các quốc gia là đối thủ cạnh tranh để chủ động, có bước đi phù hợp với hoàn cảnh, thúc đẩy nhanh nhất việc phục hồi sản xuất, tiến tới ổn định, phát triển cho lâu dài.
Liên quan tới các giải pháp kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu tôm, ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An phân tích: “Các thị trường kiểm soát rất chặt chẽ đối với tôm Việt Nam nên cần thường xuyên cập nhật các yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo việc kiểm soát vật tư và nguyên liệu đầu vào cho chế biến, xuất khẩu tránh dịch bệnh lây lan đối với tôm nuôi trong nước”.
Bên cạnh đó, ông Võ Quan Huy cũng đề cập tới góc độ ứng dụng khoa học công nghệ để nông dân cũng như doanh nghiệp truy cập, kịp thời nắm rõ yêu cầu của các thị trường, từ đó đề xuất những khó khăn trong quá trình nuôi. Các đơn vị chuyên ngành, nhà khoa học kịp thời thông tin hỗ trợ nhằm tháo gỡ vướng mắc về giải pháp kỹ thuật.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Việt Nam đang thực hiện 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Các thị trường đều có yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn nhất định. Trên cơ sở đánh giá chung về thị trường, các nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến phải chuẩn bị những giải pháp kỹ thuật cũng như xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường một cách chủ động hơn”.

Nguồn: haiquanonline/Thanh Nguyễn