Nước sản xuất đường lớn nhất thế giới và xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sau Brazil này đã xuất khẩu hơn 11 triệu tấn đường - mức cao nhất mọi thời đại trong niên vụ 2021/22. Bước sang niên vụ mới, ngành đường đang kỳ vọng New Delhi sẽ cho phép xuất khẩu từ 8-9 triệu tấn trong hai đợt.
Trong một thông báo, chính phủ cho biết New Delhi đã phân bổ 6 triệu tấn đường cho các nhà máy dựa trên sản lượng trong ba năm qua.
Các quan chức trong ngành kỳ vọng chính phủ cho phép xuất khẩu 5-6 triệu tấn đường trong đợt đầu tiên và 2-3 triệu tấn trong đợt thứ hai dựa trên sản lượng đường thực tế.
Thông báo hôm 5/11 không nói rõ liệu chính phủ có cho phép xuất khẩu đường đợt thứ hai hay không, nhưng các nguồn tin thương mại và chính phủ cho biết có khả năng sản lượng đường của Ấn Độ sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm thứ hai liên tiếp.
Một quan chức cấp cao cho biết, chính phủ đã đảm bảo rằng các nhà máy sẽ được phép xuất khẩu đường thêm một đợt nữa. Đó là lý do tại sao chính phủ yêu cầu các nhà máy bán hết đường trước khi kết thúc tháng 5.
Trước đây, Ấn Độ không hạn chế xuất khẩu đường nhưng kể từ năm ngoái, nước này đã áp đặt hạn ngạch xuất khẩu để ưu tiên nguồn cung cho người dân trong nước. Ấn Độ đã gia hạn các biện pháp hạn chế xuất khẩu này đến tháng 10 năm sau.
Theo Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ, sản lượng đường của nước này được dự báo đạt 35,8 triệu tấn trong năm nay và 36,5 triệu tấn vào năm sau.
Dự kiến được phép xuất khẩu từ 5-6 triệu tấn đường trong vụ này, các thương nhân đã bắt đầu ký kết các hợp đồng xuất khẩu.
Ông Praful Vithalani, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Đường toàn Ấn Độ cho biết, đường Ấn Độ sẽ cung cấp đến nhiều quốc gia châu Á, châu Phi và Trung Đông. Cụ thể, các khách hàng lớn của Ấn Độ bao gồm Indonesia, Bangladesh, Malaysia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Do hoạt động xuất khẩu đang mạnh mẽ, các nhà máy có thể sẽ bán xong 6 triệu tấn đường trước thời điểm nguồn cung của Brazil tiếp cận thị trường toàn cầu.