Hiệp định FTA sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2022 sau khi được Quốc hội cả 2 nước thông qua. Theo FTA, xuất khẩu thịt bò và cừu của New Zealand sang Vương quốc Anh sẽ được tự do hóa hoàn toàn, miễn thuế từ năm thứ 16 sau khi Hiệp định được phê chuẩn và thỏa thuận có hiệu lực.
Trong thời gian này, thịt bò và cừu sẽ được cấp hạn ngạch miễn thuế, với hạn ngạch cho thịt bò New Zealand tăng theo các đợt hàng năm, thời điểm bắt đầu từ 12.000 tấn cho đến khi đạt 60.000 tấn trong năm thứ 15, sau đó sẽ được miễn thuế hoàn toàn.
Hạn ngạch cho thịt cừu sẽ là 50.000 tấn mỗi năm từ năm thứ 5 đến năm thứ 15 (ngoài ra hiện tại New Zealand có thể xuất khẩu hơn 100.000 tấn thông qua hạn ngạch WTO).
Cả hai quốc gia cũng đã đồng ý các điều khoản bao gồm các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm, các thủ tục hải quan và điều khoản thương mại, bao gồm các điều khoản cho phép hàng hóa giải phóng nhanh trong vòng 48 giờ kể từ khi đến. Đối với hàng dễ hỏng như thịt ướp lạnh, FTA đặt ra khung thời gian giải phóng trong vòng sáu giờ.
Ông Sirma Karapeeva - giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Thịt New Zealand (MIA) cho biết: New Zealand đã không được miễn thuế xuất khẩu sang Vương quốc Anh kể từ khi Anh gia nhập Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC) vào năm 1973, vì vậy thỏa thuận này sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn đối với những người chăn nuôi và xuất khẩu cừu và thịt bò của New Zealand. Hiệp định FTA này hiện thực hóa khả năng tiếp cận tốt hơn vào thị trường quan trọng đối với thịt bò và thịt cừu New Zealand. Đây cũng là một thắng lợi cho xuất khẩu thịt ướp lạnh của New Zealand vì nó sẽ đảm bảo sản phẩm có thể đến tay người tiêu dùng cuối cùng một cách nhanh chóng và trong điều kiện tối ưu để tăng cường mối quan hệ giữa hai nước.
Ông Sam McIvor - giám đốc điều hành của Beef + Lamb New Zealand, cho biết nông dân chăn nuôi cừu và bò sẽ hài lòng với kết quả của FTA, điều này sẽ củng cố hơn nữa cơ sở xuất khẩu vốn đã đa dạng của New Zealand.
Ủy ban Thịt New Zealand chịu trách nhiệm quản lý hạn ngạch FTA chuyển tiếp đối với thịt bò và thịt cừu phù hợp với hệ thống đã áp dụng để quản lý hạn ngạch hiện có của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đối với thịt đỏ. Sau khi ký kết, FTA vẫn cần được cả hai nước phê chuẩn trước khi có hiệu lực.

Nguồn: Vinanet/VITIC/euromeatnews