Trước khi xung đột Nga - Ukraine vào ngày 24/2/2022, Ukraine có khả năng xuất khẩu tới 6 triệu tấn lúa mì, lúa mạch và ngô mỗi tháng, nhưng tháng 3/2022 xuất khẩu đã giảm xuống chỉ còn 300.000 tấn và tháng 4/2022 còn 1,1 triệu. Chính phủ Ukraine muốn nâng con số đó lên 2 triệu tấn, nhưng đang gặp phải những trở ngại về vận chuyển, từ việc thiếu toa xe lửa, nhiên liệu và xe tải đến toa xe chở hàng kích cỡ không phù hợp, những trở ngại có thể mất nhiều năm và hàng tỷ đô la để vượt qua.
Hiện tại, Ukraine đang tồn kho ít nhất 20 triệu tấn ngũ cốc; công ty tư vấn nông nghiệp APK-Inform ước tính có khoảng 40 triệu tấn nữa là nguồn cung cho xuất khẩu khi vụ thu hoạch tiếp theo vào mùa hè này.
Ông Roman Rusakov, một quan chức cấp cao của Bộ Nông nghiệp Ukraine, cho biết: Sẽ xảy ra nạn đói ở châu Phi và ở các nước khác, nếu nông sản của Ukraine không thể xuất khẩu vào mùa tới. Ukraine chắc chắn sẽ cải thiện dịch vụ vận chuyển đường sắt, trong thời gian tới, các cảng biển sẽ hoạt động tốt, nhưng không thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 6,7 triệu tấn/tháng, mà mục tiêu đầu tiên là đạt được 2 triệu tấn/tháng.
Giá lúa mì tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 3/2022 và giá lương thực tăng vọt đã gây ra các cuộc biểu tình phản đối khắp các nước đang phát triển, cũng như góp phần làm tăng tỷ lệ lạm phát trên toàn thế giới.
Liên hợp quốc đang cố gắng để đạt được thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng ở Biển Đen như Odesa. Nga cho biết họ muốn các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ như một phần của thỏa thuận và cũng cáo buộc Ukraine khai thác vùng biển riêng của Nga.
Cần hợp tác tìm cách cách giải quyết vấn đề vận chuyển
Tại cảng Odesa đang tồn đọng lượng ngũ cốc lớn trên các tàu, đang chờ thương lượng để vận chuyển xuất khẩu. Ông Pierre Vauthier, quan chức chuyên trách về Ukraine tại Tổ chức Nông lương của LHQ cho biết, Ukraine rất cần một giải pháp ngoại giao để cảng Odesa được mở cửa trở lại.
Do không thể vận chuyển bằng đườngbiển, Ukraine đang tập trung vào các tuyến đường thay thế để đạt mục tiêu 2 triệu tấn mỗi tháng. Bộ Nông nghiệp Ukraine hy vọng sẽ xuất khẩu 700.000 - 750.000 tấn mỗi tháng từ hai cảng nhỏ trên sông Danube đến Romania, từ đó sẽ được xuất khẩu sang Bắc Phi và châu Á, phần còn lại sẽ đi bằng đường bộ và đường sắt đến châu Âu, nhưng bây giờ xuất khẩu đang khó khăn. Trong 22 ngày đầu tháng 5/2022, chỉ có 28.000 tấn được xuất khẩu bằng đường bộ.
Đối với vận chuyển đường sắt rất phức tạp và tốn kém, các chuyến tàu của Ukraine phải dừng lại ở biên giới vì khổ rộng của tuyến đường sắt thời Liên Xô rộng hơn 9 cm so với các đường ray ở các nước láng giềng châu Âu nên không phù hợp. Sau đó, ngũ cốc lại được chuyển sang các toa tàu khác nhau, hoặc các toa xe hẹp hơn, do đó mất thời gian và lượng xuất khẩu bị giới hạn.
Khi ngũ cốc đã qua kiểm tra, trở ngại tiếp theo là thiếu khả năng lưu trữ tại các cảng của châu Âu, nơi hàng chục nghìn tấn ngũ cốc cần phải được đưa vào máy nâng ở cảng trước khi đưa lên tàu chở hàng sau đó.
Tại Ukraine, Ông Serhii Yarosh, giám đốc nhà máy bột mì và ngũ cốc Mlybor ở Chernihiv, phía bắc thủ đô Kyiv cho biết có những chiếc xe tải chở đầy ngô hư hỏng trong trận xung đột gần đây.
Hiện vụ mùa lúa mì của Ukraine rất tốt, những đợt sương giá mùa đông không có tác động tiêu cực. Vì vậy, sản lượng vụ mùa sẽ bội thu. Nếu cộng đồng quốc tế thực sự quan tâm đến người dân ở các quốc gia khác, thì cần phải cùng nhau hợp tác tìm cách cách giải quyết vấn đề vận chuyển xuất khẩu.

Nguồn: Vinanet/VITIC/thepigsite