Giá gạo tại 3 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới nhìn chung ổn định trong tuần qua, mặc dù khoảng cách giá gạo Thái Lan và Việt Nam nới rộng thêm chút ít trong bối cảnh tiêu thụ chậm, trong khi gạo Ấn Độ giảm giá nhẹ do nhu cầu cũng yếu.
Tiêu thụ gạo Việt Nam không tăng lên và giá không thay đổi nhiều dù mới thắng thầu cung cấp 150.000 tấn gạo cho Philippines và thông tin tư nhân Philippines sẽ nhập khẩu gạo Việt Nam hoặc Thái Lan.
“Tư nhân Philippines sẽ mua gạo với giá rất rẻ, vậy nên họ phải lựa chọn rất thận trọng”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết.
Giá tham chiếu gạo 25% tấm của Việt Nam – loại thường chào bán cho Philippines – hiện khoảng 330 – 332 USD/tấn, FOB, so với 330-335 USD/tấn một tuần trước đây. Hiện giá đang ở mức thấp nhất gần 7 tháng.
Gạo 5% tấm giá khoảng 340 – 350 USD/tấn, FOB, sovới 340 – 345 USD/tấn mọt tuần trước đây do nguồn cung không nhiều.
Thị trường Thái Lan cũng rất trầm lắng do thiếu vắng nhu cầu. Gạo 5% tấm của Thái Lan giá hiện khoảng 370 – 376 USD/tấn, FOB, so với 375 – 376 USD/tấn một tuần trrước đây.
Thái Lan dự kiến sẽ thu hoạch 23,55 triệu tấn gạo trong khoảng tháng 10 – tháng 12 năm nay, theo thông tin từ Uỷ ban Lúa gạo nước này. Đây là lý do khiến Thái tạm dừng mở bán đấu giá gạo dự trữ để tránh dư thừa quá nhiều trên thị trường trong thời điểm thu hoạch lúa.
Ngày 14/9, Chính phủ Thái Lan quyết định sẽ tạm dừng việc đấu thầu bán gạo dự trữ trong các kho của nhà nước để tránh làm dư thừa nguồn cung thị trường trước vụ thu hoạch vào tháng 11 tới để xem diễn biến tình hình thị trường. Quyết định này được Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha thông báo sau cuộc họp cùng ngày của Ủy ban Chính sách lúa gạo Thái Lan do ông chủ trì. Hiện chưa rõ khi nào việc bán đấu giá sẽ được thực hiện trở lại.
Thái Lan hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, sau Ấn Độ. Hiện trong kho dự trữ của nước này vẫn còn khoảng 8,4 triệu tấn gạo tích trữ từ chương trình thu mua trợ giá gạo dưới thời chính phủ tiền nhiệm.
Xuất khẩu gạo Thái Lan từ đầu năm tới nay đạt 6,57 triệu tấn, theo thông tin từ Bộ Thương mại nước này. Thái Lan đã đặt mục tiêu xuất khẩu 9,5 triệu tấn gạo trong năm nay.
Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp (BAAC) và các nhà máy xay xát gạo cũng sẽ mua khoảng 10 triệu tấn với giá thị trường (trong tổng số 23,55 triệu tấn gạo sẽ thu hoạch trong khoảng thời gian 3-4 tháng tới).
“Những biện pháp này sẽ giúp ngăn giá giảm”, một thương gia ở Bangkok cho biết.
Trong khi đó tại Ấn Độ , nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, loại 5% tấm có giá giảm 2 USD/tấn xuống 370 – 380 USD/tấn do nhu cầu yếu.
"Nhu cầu rất thấp. Khách hàng đang chuyển hướng sang mua của Thái Lan – nước chào giá cạnh tranh hơn”, Reuters dẫn lời ông Adishankar, giám đốc điều hành công ty xuất khẩu gạo hàng đầu của nước này, Sri Lalitha ở bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ.
Tính tới 9/9, nông dân Ấn Độ đã gieo trồng 38 triệu ha lúa, cao hơn chút ít so với 37 triệu ha cùng kỳ năm ngoái.
“Giá giảm một phần cũng bởi dự báo sản lượng tăng. Thời tiết thuận lợi và các thương gia đều cho rằng sẽ được mùa”, một nhà xuất khẩu thuộc Kakinada ở Andhra Pradesh cho biết.
Xuất khẩu gạo phi-basmati của Ấn Độ giai đoạn t háng 4 – tháng 6 (3 tháng đàu tài khoá) đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1,74 triệu tấn.
Ấn Độ đang lênkế hoạch thu mua 33 triệu tấn gạo vụ Hè niên vụ 2016/17 để thực hiện các chương trình nhân đạo và sử dụng khi cần thiết.
Về thông tin liên quan, Ngân hàng Phát triển Nông thôn Campuchia (RDB) ngày 16/9 thông báo sẽ chi cấp một gói cho vay đặc biệt dành cho hoạt động thu mua thóc gạo từ các hộ nông dân trong nỗ lực nhằm bình ổn giá gạo, trong bối cảnh giá mặt hàng thiết yếu này giảm mạnh.
Phó Tổng giám đốc RDB Sam Vongsy cho hay gói cho vay trên có giá trị khoảng 20-30 triệu USD và sẽ được công bố vào tuần tới, khi Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen phê duyệt.
Bộ trưởng Thương mại Pan Sorasak cho biết các hộ nông dân đều đang gặp khó khăn sau khi các thương nhân ở một số khu vực giảm giá thóc lúa. Bộ trưởng Pan Sorasak hy vọng rằng biện pháp trên sẽ giúp ổn định giá gạo.
Trước đó, Bộ trưởng Pan đã khuyến khích các nhà máy xay xát và các nhà xuất khẩu thu mua thóc gạo từ các hộ nông dân với mức giá cạnh tranh, đồng thời cho biết nhiều nước đã hứa hẹn sẽ nhập khẩu gạo từ Campuchia.
Các nước châu Âu thường mua khoảng 300.000 tấn gạo của Campuchia mỗi năm, còn Trung Quốc dự kiến mua 200.000 tấn gạo trong niên vụ 2016/17.
Bên cạnh đó, Indonesia và Timor Leste có thể nhập khẩu lần lượt khoảng 400.000 tấn và 200.000 tấn gạo từ Campuchia, nếu đạt được các thỏa thuận về giá cả và loại gạo.
Trong một nỗ lực để ngăn chặn giá gạo thơm giảm thêm nữa, Ngân hàng Gạo Campuchia cho biết thể chế này sẽ mua lương thực trực tiếp từ nông dân với giá thị trường 840 riel/kg (21 xu Mỹ/kg).
Campuchia là một nước nông nghiệp, với khoảng 80% dân số là nông dân. Năm 2015, quốc gia Đông Nam Á này đã sản xuất được hơn 9 triệu tấn thóc.

Nguồn: VITIC/Reuters

Nguồn: Vinanet