Tại Thái Lan, trong quý I/2023, xuất khẩu gạo đạt 2,06 triệu tấn, trị giá 1,12 tỷ USD, tăng 8,48% về lượng và tăng 29,26% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, xuất khẩu chủ yếu sang Iraq (chiếm 16,38%), Indonesia (chiếm 13,08%), Mỹ (chiếm 8,62%), Nam Phi (chiếm 8,24%) và Senegal (chiếm 5,86%). Bộ Thương mại Thái Lan dự đoán xuất khẩu gạo năm 2023 đạt 7,5-8 triệu tấn.
Tại Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 2,95 triệu tấn, trị giá 1,56 tỷ USD, tăng 43,6% về lượng và 54,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng tháng 4/2023 đạt 1,1 triệu tấn, trị giá 573,9 triệu USD.
Tại Mỹ, USDA cho biết tính đến ngày 30/4/2023, nông dân Mỹ đã gieo trồng 63% diện tích lúa vụ 2023, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước và tăng 14% so với mức trung bình 5 năm, trong đó bang Louisiana và Texas đã gieo trồng đạt 89% và 83%. Hiện có 39% diện tích lúa của Mỹ đã trổ đòng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 10% so với mức trung bình 5 năm.
Tại Brazil, IRGA cho biết, đến tuần đầu tháng 5/2023, việc thu hoạch lúa ở các vùng sản xuất chính ở Brazil đang ở giai đoạn cuối vụ, bang Rio Grande do Sul đã thu hoạch đạt 93,29%, bang Campanha (đạt 97,39%), vùng Outer Coastal Plain (đạt 96,47%), Vùng Internal Coastal Plain (đạt 94,61%), Miền Nam (94%), Fronteira Oeste (đạt 91,46%), và Miền Trung (đạt 87,92%). IRGA cũng ước tính sản lượng gạo của Brazil niên vụ 2022/23 đạt xấp xỉ 7,1 triệu tấn.
Tại Nga, nông dân Crimea ước tính sản lượng thu hoạch lúa năm 2023 sẽ đạt 20 nghìn tấn, gấp ba lần so với năm 2022.
Tại Indonesia, BPS cho biết, giá thóc trong tháng 4/2023 tăng 2,4% so với tháng 3/2023 và tăng 23,62% so với tháng 4/2022, trong khi giá gạo chưa xay xát tăng 0,9% so với tháng 3/2023 và tăng 20,32% so với tháng 4/2022. Trong khi đó, giá gạo thành phẩm bán buôn tại nhà máy giảm 0,14% so với tháng trước nhưng tăng 15,66% so với tháng 4/2022. Giá gạo bán lẻ của Indonesia tăng 0,48% so với tháng 3/2023 và tăng 11,34% so với tháng 4/2022.
Tại Philippines, dự kiến sẽ tự cung tự cấp hoàn toàn lúa gạo vào năm 2027, kế hoạch được đưa ra sau khi chính phủ trước đó không đạt được mục tiêu do sai lầm chính sách và tác động của thời tiết khắc nghiệt làm giảm sản lượng lúa gạo ở nước này. Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, Philippines hiện nhập khẩu hơn 3 triệu tấn gạo mỗi năm, chủ yếu từ Việt Nam, để tăng nguồn cung trong nước và giữ giá ổn định. Kế hoạch dự báo nguồn cung gạo trong nước hàng năm ổn định ở mức 24,99-26,86 triệu tấn và nhằm mục đích hạn chế mức tăng giá gạo hàng năm dưới 1%, tăng thu nhập của nông dân thêm 54% và duy trì đủ dự trữ.
Tại Nigeria, Chính phủ Nigeria đã tuyên bố xem xét lại Thuế nhập khẩu (IAT) điều chỉnh phù hợp với việc thực hiện Biểu thuế đối ngoại chung (CET) của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cho năm 2022/26. Do đó, theo văn bản sửa đổi năm 2023, thuế nhập khẩu đối với gạo đóng gói trên 5 kg hoặc gạo rời và đóng gói từ 5 kg trở xuống đã tăng từ 50% lên 60%. 

Nguồn: Vinanet/VTIC/Tridge