Giai đoạn tháng 3/2020, khi có dịch bệnh đỉnh điểm, nhiều quốc gia đồng loạt tiến hành biện pháp thắt chặt hàng lương thực, thực phẩm như Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ…nhằm giữ ổn định thị trường trong nước.

Giữa bối cảnh đó, Chính phủ có quyết định giãn tiến độ xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia, phòng tránh trường hợp dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
Vì vậy thời gian qua Bộ Công Thương được giao điều hành xuất khẩu gạo, đảm bảo giám sát chặt chẽ và linh hoạt từng thời kỳ.
Đến cuối tháng 4/2020 tình hình có thay đổi, Chính phủ xem xét nới lỏng hoạt động xuất khẩu. Qua 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đã đạt 2,1 triệu tấn, kim ngạch 991 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu tăng nhẹ là 1,1%, còn về kim ngạch tăng 4,1%.
Tại kết luận của Thủ tướng có nêu một số nhiệm vụ cần triển khai của Bộ Công Thương, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ về xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan cùng khối doanh nghiệp, với bối cảnh các yếu tố quan trọng nhất dẫn đến quyết định giãn tiến độ xuất khẩu gạo vào cuối tháng 3 đã có sự thay đổi đáng kể, theo hướng tốt lên, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được khống chế, Bộ Công Thương đã có văn bản số 2976/BCT-XNK ngày 27/4/2020 báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5 và trong thời gian tới.
Ngày 29/4/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 172/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về giải pháp điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về phương án điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Từ ngày 1/5/2020, cho phép hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua các cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không) có sự kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng.
Đại diện Bộ Công Thương chia sẻ, thực hiện văn bản số 172/TB-VPCP, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Song song đó, Bộ tiếp tục đôn đốc các thương nhân xuất khẩu gạo trong số 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông khi được yêu cầu; phối hợp với Bộ Công Thương để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp các thương nhân vi phạm quy định về duy trì mức dự trữ lưu thông (nếu có).
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã có công hàm, văn bản trao đổi, thông tin đến các cơ quan ngoại giao, tổ chức nước ngoài liên quan cũng như một số thương nhân có kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu gạo về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 172/TB-VPCP để biết và phối hợp triển khai thực hiện.

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, thời gian tới, Bộ  sẽ tiếp tục làm việc, trao đổi và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam để triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất khẩu gạo (thủ tục, logistics, tín dụng…). Đồng thời, Bộ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình cung cầu gạo trong nước và quốc tế; dự báo động thái của các nước xuất khẩu, nhập khẩu gạo lớn trên thế giới, diễn biến dịch bệnh và thiên tai để kịp thời ứng phó với các thay đổi và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án điều hành phù hợp với tình hình ổn định mới trong bối cảnh dịch bệnh.

Nguồn: VITIC