Chế biến sâu, gia tăng giá trị hàng XK
Ông Trương Hữu Thông, Giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận cho biết, vừa đi qua đại dịch, lại xảy ra chiến tranh, nền kinh tế thế giới suy giảm nhiều, đặc biệt là thị trường châu Âu, Nhật Bản và Mỹ. Đối với Thông Thuận thì 3 thị trường này chiếm tới hơn 90% thị phần. Ba thị trường này đều ảnh hưởng rất trầm trọng bởi lạm phát, lãi suất Fed lên cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của châu Âu và Mỹ. Trong năm 2023, XK sẽ suy giảm, riêng với Thông Thuận đang bị giảm hơn 20% về đơn hàng XK so với năm 2022, tuy nhiên vẫn duy trì được công ăn việc làm cho cán bộ, công nhân viên và dòng tiền.
Trong đó, Thông Thuận đổi mới cách bán hàng, tiết kiệm và cắt giảm chi phí, tìm phương án nuôi tôm thích ứng với giá thành thấp hơn. Bối cảnh kinh tế hiện nay, các ngành nghề khác như da giày, dệt may, đồ gỗ đều giảm sâu, tuy nhiên thủy sản vẫn là ngành hàng thiết yếu, nên vẫn có xu hướng tích cực hơn. Điều kiện của năm nay, doanh nghiệp phải linh hoạt, nhìn vào thực trạng của thị trường để tìm ra giải pháp thích ứng, chống chọi với khó khăn. Tình hình sản xuất và lượng công nhân của công ty vẫn được ổn định, duy trì đơn hàng XK do công ty đã chuyển sang làm hàng giá trị gia tăng như sushi, tẩm bột, tempura…
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về XK cá tra, trong 5 tháng đầu năm 2023, XK cá tra của Công ty CP Vĩnh Hoàn giảm khá sâu, trong đó có những thị trường truyền thống. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn cho biết, các doanh nghiệp XK cá tra đã mở rộng thị trường XK đến hơn 140 quốc gia.
Tuy nhiên, theo bà Khanh, ngành chế biến cá tra còn sử dụng nhiều lao động phổ thông, đây sẽ là thách thức trong tương lai. Nên việc sử dụng máy móc, công nghệ trong sản xuất để giảm các khâu sử dụng nhiều lao động sẽ là giải pháp để ngành vượt qua mối nguy này. Ngành cá tra cần đầu tư cho công nghệ, vượt qua thách thức yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về môi trường và an sinh xã hội, cơ chế linh hoạt, thông thoáng và quyết tâm của nhà nước cũng là yếu tố cần để tạo cú hích cho doanh nghiệp tăng tốc thực hiện các chương trình phát triển XK sản phẩm chế biến sâu.
Chia sẻ cách làm của doanh nghiệp mình, ông Đoàn Văn Đông, Giám đốc Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ cho biết, bối cảnh khó khăn năm 2023 có thể sẽ kéo dài đến hết năm 2024 như nhận định của nhiều người. Do vậy, doanh nghiệp phải tự tìm cách tồn tại, nhận định được những thách thức, khó khăn, cũng như những tình huống cụ thể để vượt qua. Nếu trước đây doanh nghiệp mở rộng mặt hàng, thì bây giờ chỉ tập trung những cái đang có, đang làm, đi sâu hơn về chất lượng và chi phí sản xuất cho tốt hơn. Các mặt hàng GTGT từ tôm của Việt Nam gần như đã bão hòa. Do đó, DN nên tập trung những mặt hàng đang có, chú trọng cải tiến chất lượng, bao bì, mẫu mã, không mở rộng thị trường và khách hàng mới, tập trung giữ khách hiện có, truyền thống, cải tiến trang thiết bị máy móc, nhà xưởng hiện đại hơn, chăm chút cho công nhân, tăng lương để giữ công nhân có tay nghề, đảm bảo lao động ổn định, nâng cao tay nghề, nỗ lực ổn định sản xuất vượt qua giai đoạn này.
Cơ cấu lại thị trường
Trước những khó khăn do đơn hàng giảm sút tại các thị trường chủ lực, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang đổi mới sản phẩm, xúc tiến thương mại, cơ cấu lại thị trường.
Ông Phạm Hoàng Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN), để bù đắp lại lượng sụt giảm tại các thị trường lớn như Mỹ và EU, nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển hướng XK sang các thị trường khác, trong đó có Nhật Bản. Thị trường Nhật thì lượng tồn kho không nhiều nên sức mua vẫn tốt, nhưng do lạm phát nên lượng tiêu thụ cũng hạn chế vì người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, để thâm nhập được vào thị trường này, phải đảm bảo nguồn cung ổn định, chất lượng và truy xuất nguồn gốc tốt.
“Dự kiến, thị trường từ giờ tới cuối năm rất ảm đạm. Sức mua tại thị trường Mỹ sẽ vẫn thấp vì lượng tồn kho lớn. Doanh nghiệp muốn duy trì được phải tìm những thị trường khác. Những thị trường nhỏ như tại khu vực châu Á, như Hồng Kông, Đài Loan… sức mua tốt hơn do không có lượng tồn kho nên họ mua bán thường xuyên hơn.”- ông Việt đánh giá.
Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Minh Hải (SEA MINH HAI), hiện nay, có rất nhiều thách thức mới đặt ra với ngành tôm Việt Nam. Những lợi thế của Việt Nam trước đây là có nhiều nhà máy chế biến, có công nghệ chế biến tương đối, tay nghề chế biến cao, làm thị trường khá tốt… Nhưng hiện nay cái mà chúng ta nghĩ là chúng ta có thế mạnh thì các nước xung quanh, các nước đối thủ đã làm được hết. Điểm yếu của chúng ta hiện nay chính là lĩnh vực nuôi. Nghề nuôi tôm ở Việt Nam còn rất manh mún. Trong khi đó, nuôi tôm lại là thế mạnh của các nước xung quanh như Ấn Độ, Bangladesh hay Ecuador. Khi đã nhận định rõ vấn đề này, muốn doanh nghiệp Việt Nam phát triển trong những năm tới, cần xem xét lại.
“Nếu như trước đây đặt vai trò của người chế biến thủy sản là trọng tâm trong chuỗi giá trị thì hiện nay chúng ta nên đặt vai trò của người nuôi là trọng tâm trong chuỗi giá trị”- ông Hải nhấn mạnh.
Chia sẻ về các giải pháp giữ thị trường XK, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú so sánh giá thành sản xuất tôm giữa 3 đối thủ cạnh tranh là Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ thì giá thành nuôi tôm cỡ 50 con/kg của Ecuador chỉ từ 2,2-2,4 USD/kg, Ấn Độ từ 3,4-3,8 USD/kg trong khi Việt Nam từ 4,8-5,0 USD/kg. Tôm Ấn Độ, Ecuador dù giá bán thấp, nhưng họ vẫn có lời vì giá thành sản xuất của họ thấp.
Trước thực tế trên, doanh nghiệp chế biến của Việt Nam phải xoay xở để giá mua tôm nguyên liệu không bị thấp quá vì lo ngại nếu mua giá quá thấp, bà con sẽ không nuôi tôm nữa. Doanh nghiệp phải tìm cách sản xuất hàng giá trị gia tăng, tiện lợi để nâng giá bán mới mong thu được đồng lời.
Ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sạch Việt Nam cho rằng, ngành tôm Việt Nam đang phải đối mặt với 2 thách thức. Một là, nền kinh tế đang co lại do ảnh hưởng của lạm phát khiến cho sức tiêu thụ giảm. Hai là, cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, cụ thể là nguồn cung tôm giá rẻ hơn từ Ấn Độ, Ecuador và Indonesia. Cuộc khủng hoảng trên thế giới chưa biết bao giờ sẽ dừng lại. Do đó, thị trường tiêu thụ sẽ khó khăn, cộng thêm thách thức chiến lược về nguồn cung tôm giá rẻ, trong khi cung vượt cầu làm cho giá tôm thành phẩm xuống thấp, thậm chí còn thấp hơn giá nguyên liệu.