Do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên không kích thích được nhu cầu chăn nuôi, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp. Năm 2022 dự báo tiêu thụ thịt lợn sẽ giảm, giá thịt lợn giảm do tình trạng cung vượt cầu và xuất khẩu sụt giảm. Giá giảm mạnh dẫn đến thiệt hại cho người chăn nuôi, do đó làm chậm tốc độ tăng đàn vào năm 2022.
Trung Quốc là thị trường sản xuất và nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới đang phải chống chọi với dịch tả ASF trong hơn 3 năm qua. Các nhà chăn nuôi Trung Quốc đã phải giảm đàn vì chi phí thức ăn chăn nuôi tăng và mối đe dọa tiếp tục bùng phát dịch ASF, đẩy giá lợn xuống mức thấp mới. Nhu cầu tiêu thụ vẫn thấp do các đợt giãn cách bởi đại dịch COVID-19. Để đối phó với việc giảm giá thịt lợn, Trung Quốc tiếp tục hạn chế nhập khẩu để cân bằng nguồn cung. Do nhu cầu tiếp tục suy yếu, Rabobank dự báo nguồn cung thịt lợn vẫn dồi dào mặc dù giảm đàn, nhưng lượng lợn năm trước còn nhiều; Tuy nhiên, nguồn cung có thể thiếu nếu tình hình kinh tế cải thiện.
Tại EU, thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Trung Quốc, giá đã giảm 24% do nhu cầu từ Trung Quốc giảm. Các nhà chăn nuôi ở Đức và Hà Lan đang thanh lý đàn lợn và dự kiến sẽ giảm sản lượng trong những tháng tới. Trong khi đó, Tây Ban Nha và Đan Mạch dự kiến sẽ tăng đàn lợn nhưng tốc độ chậm hơn trong mấy năm qua.
Nguồn cung lợn hơi của Mỹ sẽ vẫn khan hiếm cho đến đầu năm 2022 nhưng sẽ cao hơn so với các năm trước. Mặc dù vậy, do giá thức ăn chăn nuôi tăng và do các ràng buộc pháp lý, nên dự kiến sẽ làm giảm các kế hoạch tăng sản lượng thịt lợn. Nhu cầu tại Mỹ dự kiến sẽ giảm do chi phí vận chuyển tăng, do đó cần đẩy mạnh xuất khẩu.
Tại Brazil sản lượng thịt lợn vẫn tăng, mặc dù giá thức ăn chăn nuôi tăng 34% so với cùng kỳ. Xuất khẩu vẫn tăng mạnh do đồng real Brazil bị giảm giá và nguồn cung thịt lợn tăng. Dự báo sản lượng thịt lợn năm 2022 sẽ tăng 5,5% so với năm trước.

Nguồn: Vinanet/VITIC/euromeatnews