Theo Công văn số 393 của Văn phòng SPS Việt Nam gửi Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Cục Thú y, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hội nuôi ong Việt Nam, EU đang lấy ý kiến thành viên WTO đối với các thông báo dự thảo liên quan tới tăng, giảm mức MRL của một số hoạt chất.
Đáng chú ý, mức MRL của Zoxamide trong rau diếp, xà lách, cải bó xôi được EU đề xuất giảm từ 30ppm xuống còn 0,01ppm (tương đương 3.000 lần).
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết, 0,01ppm là mức mặc định được EU áp dụng đối với các hoạt chất mà thị trường này chưa thiết lập MRL và không có trong cơ sở dữ liệu chung.
Zoxamide là thuốc diệt nấm được sử dụng để kiểm soát nhiều loại nấm, bao gồm cả bệnh cháy lá ở khoai tây và cà chua. Thuốc có tác dụng phòng ngừa với đặc tính tồn lưu và hoạt động bằng cách ức chế sự phân chia hạt nhân.
Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) đánh giá, không có độc tính cấp tính đáng kể nào được phát hiện về Zoxamide. Tuy nhiên, đây được xem là chất gây mẫn cảm da mạnh và có khả năng gây mẫn cảm khi hít phải.
Ngược với rau diếp, xà lách, cải bó xôi, mức MRL của Zoxamide trên hành, tỏi, cà chua lại được EU nới lỏng. Riêng cà chua tăng 4 lần, từ 0,5ppm lên 2ppm.
Ngoài hoạt chất Zoxamide, EU còn đề xuất điều chỉnh 3 hoạt chất khác, gồm Fenbuconazole, Penconazole và Acetamiprid trên các sản phẩm như gạo, hạt tiêu, cà phê, mật ong và một số rau củ quả. Tuy nhiên, biên độ nhỏ hơn nhiều so với việc điều chỉnh MRL của Zoxamide trên rau diếp, xà lách, cải bó xôi.
Việc thay đổi MRL của 4 hoạt chất: Zoxamide, Fenbuconazole, Penconazole và Acetamiprid liên quan đến nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang thị trường EU.
Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Cục BVTV, Cục Thú y, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và Hội Nuôi ong Việt Nam nghiên cứu, góp ý và thông báo cho các tổ chức, cá nhân liên quan được biết để kiểm soát MRL theo quy định của EU.