Dư địa rộng mở
Theo thông tin mới nhất từ Bộ NN&PTNT, XK gạo 4 tháng đầu năm nay đạt 2,05 triệu tấn với trị giá 1 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng nhưng giảm 6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, Philippines tiếp tục là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 42,6% thị phần.

Theo Bộ Công Thương, để nâng cao hiệu quả XK gạo sang ASEAN, ngành gạo cần rà soát lại nhu cầu NK của từng thị trường trong ASEAN, xác định những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp, gạo thơm… Ngoài ra, Việt Nam cần chú trọng các chính sách thương mại với các nước trong khu vực, tận dụng tối đa những lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các đối tác trên thế giới…

Thị trường Philippines nói riêng và cả khu vực ASEAN nói chung được nhận định đã và đang có nhiều dư địa để Việt Nam tăng trưởng XK gạo. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: những năm qua, gạo là mặt hàng nông sản chính của Việt Nam XK sang ASEAN. Trong số các nước ASEAN, sản phẩm lúa gạo của Việt Nam được XK chủ yếu sang Philippines. Không chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022 mà ngay cả năm 2021, Philippines cũng là thị trường XK gạo lớn nhất của Việt Nam với lượng XK đạt 2,45 triệu tấn, kim ngạch trên 1,25 tỷ USD, giá trung bình 509,7 USD/tấn, tăng 10,7% về lượng, tăng 18,5% về kim ngạch và tăng 7,1% về giá so với năm 2020.
Indonesia cũng là thị trường đầy tiềm năng cho gạo Việt. Ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia cho biết: Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, lượng gạo tiêu thụ bình quân tại Indonesia hiện khoảng 93 kg/người/năm. Tổng nhu cầu gạo tiêu dùng Indonesia khoảng 30,1 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo tại Indonesia không hiệu quả, giá thành cao, thu nhập thấp nên nông dân không mặn mà trồng lúa, từ đó dẫn tới năng suất, chất lượng lúa không cao. Đó là lý do chính khiến Indonesia NK sản lượng gạo tương đối lớn hàng năm. Các thị trường cung cấp gạo chủ yếu cho Indonesia là Pakistan, Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ.
Về mặt con số cụ thể, lượng gạo NK của nước này có xu hướng ổn định trong 3 năm gần đây; trong đó năm 2021 là 407.740 tấn, trị giá 184 triệu USD. Tính riêng năm 2021, lượng gạo Việt Nam XK sang Indonesia đạt 65.960 tấn, chiếm 16,1% tổng lượng NK của Indonesia. Đối với gạo Việt Nam, Indonesia NK chủ yếu là gạo chất lượng cao.
Tương tự, tại thị trường Malaysia, gạo Việt đã và đang chiếm thị phần khá lớn. Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia Trần Lê Dung cho biết: Malaysia là nước không có thổ nhưỡng tốt để trồng lúa, nông nghiệp chủ yếu tập trung trồng cây cọ dừa và cao su. Với diện tích trồng lúa chỉ khoảng 0,7 triệu ha, thấp nhất khu vực Đông Nam Á, sản xuất lúa gạo của Malaysia hiện chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Bởi vậy, đất nước này phải NK khoảng 1 triệu tấn gạo hàng năm để đáp ứng nhu cầu trong nước và dự trữ.
“Hiện, gạo Việt Nam chiếm thị phần lớn trong tổng lượng gạo NK của Malaysia. Trước đây, lượng gạo Thái Lan NK vào Malaysia cao hơn Việt Nam nhưng 5 năm trở lại đây, gạo Việt đã vượt xa Thái Lan về sản lượng nhập vào Malaysia. Ngay trong 3 tháng đầu năm 2022, lượng gạo Việt Nam XK sang Malaysia đã tăng trưởng hơn 102% so với cùng kỳ năm trước”, bà Dung nói.
Ngoài các thị trường như Philippines, Malaysia, Indonesia, Bộ Công Thương thông tin, hiện gạo Việt còn được XK sang các thị trường khác trong ASEAN như Singapore, Brunei, Lào...
Chú trọng nhận diện thương hiệu gạo
Mặc dù các DN Việt Nam có nhiều lợi thế và cơ hội XK gạo sang các nước ASEAN, nhưng thời gian tới sẽ gặp thách thức không nhỏ trong việc giữ vững và mở rộng thị phần XK.
Ông Cao Xuân Thắng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, dù dư địa XK gạo Việt Nam vào Singapore còn rất lớn song Singapore là thị trường khó tính, yêu cầu khắt khe về chất lượng và rất cạnh tranh về giá cả. Đây là yếu tố DN XK phải đặc biệt lưu tâm.
Tập trung phân tích sâu câu chuyện nhận diện thương hiệu sản phẩm, bà Trần Lê Dung cho biết: tại Malaysia, Công ty Bernas Berhad là DN độc quyền NK gạo trắng dài của Việt Nam. Đây cũng là loại gạo tiêu thụ chủ yếu tại nước này. Tuy nhiên, Công ty Bernas Berhad hiện nhập theo container gạo thô, sau đó về nước đóng gói và dán nhãn mác thương hiệu công ty của họ. “Do đó, tại thị trường Malaysia, người tiêu dùng vẫn chủ yếu biết đến thương hiệu gạo của Bernas Berhad. Đây chính là nguyên nhân khiến người tiêu dùng ít biết đến gạo Việt Nam”, bà Dung nói.
Để cải thiện tình trạng này, bà Trần Lê Dung chia sẻ thêm: tại một số siêu thị Malaysia hiện có hình thức gửi hàng mẫu tại các gian hàng. Theo đó, DN sẽ mất phí thời gian đầu để giới thiệu hàng. Các DN Việt Nam nên lưu ý đến hình thức giới thiệu này, bởi trong quá trình trưng bày, quảng bá, sản phẩm có nhiều người hỏi mua thì siêu thị sẽ nhập hàng, đồng thời các DN khác cũng sẽ quan tâm. Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Thời gian tới nhằm đa dạng hoá sản phẩm, các DN Việt nên đẩy mạnh XK gạo nếp vì nhu cầu tại Malaysia cũng rất cao”.
Tương tự, tại thị trường Indonesia, ông Phạm Thế Cường cho biết, việc nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường còn khá mờ nhạt, trong khi đó gạo Thái Lan lại có nhiều thương hiệu dễ nhận biết đối với người tiêu dùng tại các siêu thị của Indonesia. Nhu cầu tiêu thụ gạo chất lượng cao tại Indonesia ngày càng lớn, nhất là các dòng gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25 nhưng nhiều doanh nhân NK gạo lớn của Indonesia hiện vẫn chưa biết đến các loại gạo chất lượng này của Việt Nam. “Vì vậy, công tác quảng bá thương hiệu gạo của Việt Nam tại Indonesia cần được tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới”, ông Cường nói.

Nguồn: Haiquanonline