Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2022 cả nước xuất khẩu 531.389 tấn gạo, tương đương 262,95 triệu USD, giá trung bình 494,8 USD/tấn, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá so với tháng 2/2022, với mức tăng tương ứng 13,3%, 17,7% và 3,9%. Tuy nhiên, so với tháng 3/2021 thì giảm cả về lượng, kim ngạch và giá, với mức giảm tương ứng 1,4%, 9,6% và 8,3%.
Trong tháng 3/2022 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines sụt giảm mạnh 56% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 2/2022, đạt 135.958 tấn, tương đương 62,19 triệu USD; và cũng giảm 12,7% về lượng, giảm 24,5% kim ngạch so với tháng 3/2021. Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng rất mạnh 114,6% về lượng và tăng 129,2% kim ngạch, đạt 96.317 tấn, tương đương 50,03 triệu USD; nhưng so với tháng 3/2021 thì giảm nhẹ 1,5% về lượng, giảm 5,3% kim ngạch.
Tính chung cả quý I/2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 1,5 triệu tấn, tương đương trên 730,76 triệu USD, tăng 26% về khối lượng, tăng 12,7% về kim ngạch so với quý I/2021, giá trung bình đạt 486,2 USD/tấn, giảm 10,6%.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 44,7% trong tổng lượng và chiếm 42,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 672.136 tấn, tương đương 311,08 triệu USD, giá trung bình 462,8 USD/tấn, tăng mạnh 63,3% về lượng, tăng 41,4% về kim ngạch nhưng giảm 13,4% về giá so với quý I/2021;.
Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm trên 11,9% trong tổng lượng và chiếm 12,4% trong tổng kim ngạch, đạt 178.201 tấn, tương đương 90,82 triệu USD, giá trung bình 509,7 USD/tấn, giảm mạnh 30,5% về lượng, giảm 33,3% về kim ngạch và giảm 4% về giá so với quý I/2021.
Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 182.104 tấn, tương đương 77,18 triệu USD, giá 423,8 USD/tấn, tăng mạnh 107,4% về lượng và tăng 74% kim ngạch nhưng giảm 16% về giá so với cùng kỳ, chiếm 12,1% trong tổng lượng và chiếm 10,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Nhìn chung, trong quý I/2022 xuất khẩu gạo sang đa số các thị trường mạnh so với quý I/2021. Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 967.596 tấn, tương đương 459,92 triệu USD, tăng 23,8% về lượng và tăng 9,8% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 116.560 tấn, tương đương 57,72 triệu USD, tăng 4,7% về lượng nhưng giảm 6,5% kim ngạch
Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất 3,5 tháng do nhu cầu ổn định và chi phí vận chuyển tăng cao. Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 415-420 USD/tấn, tăng 20 USD so với đầu tháng 3. Trung bình tháng 3/2022 đạt 414 USD/tấn, tăng 16 USD/tấn so với tháng 2/2022.
Trong khi đó, gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan ở mức 408 - 412 USD/tấn, giảm 16 USD so với đầu tháng 3. Nguyên nhân là đồng baht xuống thấp dẫn đến giá cả cạnh tranh hơn và thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, logistic vẫn là một thách thức đối với ngành gạo Thái Lan bởi không đủ tàu và giá cước vận chuyển cao.
Tại thị trường trong nước, lúa gạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sôi động hơn trong tháng 3/2022 khi giá lúa Đông Xuân tăng nhẹ so với tháng trước. Nông dân đã thu hoạch được 1/4 diện tích lúa Đông Xuân 2022. Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 ở mức 5.600 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg so với trung bình tháng 2; lúa chất lượng cao OM 5451 ở mức 5.700 đồng/kg, tăng gần 400 đồng/kg; gạo thường ở mức 11.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 15.000 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, giá lúa cũng tăng 400-500 đồng/kg so với tháng 2. Còn ở Vĩnh Long, giá lúa gạo ổn định.
Xuất khẩu gạo quý I/2022
(Tính toán từ số liệu công bố ngày 12/4/2022 của TCHQ)